Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử hướng đến phát triển bền vững, thân thiện môi trường
Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử của Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức, đó là rác thải điện tử và nhà xưởng xây theo lối truyền thống. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi sản xuất, hướng đến việc phát triển bền vững nhưng thân thiện với môi trường.
Cơ hội thu hút đầu tư
6 tháng đầu năm 2024, sản xuất của ngành công nghiệp điện tử vẫn đứng top đầu nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Trong đó, sản phẩm điện tử, máy móc và linh kiện đạt 32,911 tỷ USD (tăng 28,6% so cùng kỳ); điện thoại và linh kiện đạt 27,202 tỷ USD (tăng 11,3%).
Đây là những con số biết nói cho thấy sự đóng góp to lớn của ngành điện tử vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhận định, ngành công nghiệp điện tử đóng góp rất lớn vào việc đảm bảo thặng dư và cán cân thương mại của Việt Nam.
Kể từ năm 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng của nhóm hàng điện tử, linh kiện, điện thoại đã vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam. Chính phủ xác định đây là ngành có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.
Hiện nay, năng lực sản xuất của doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, nhiều nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm và mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng, phát triển năng lực sản xuất sản phẩm điện tử. Theo đó, trên nền năng lực sản xuất sẵn có, nhà đầu tư Mỹ muốn thí điểm xây dựng chuỗi cung ứng ngành điện tử ở Việt Nam.
Cũng theo ông Thành, doanh nghiệp Mỹ đang nhìn vào Việt Nam như một thị trường để dịch chuyển công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Việt Nam có cơ hội sản xuất ra các sản phẩm chiến lược trong ngành này.
Đơn cử như sản phẩm máy bay không người lái hạng nhẹ (drone tầm gần). Ngoại trừ Trung Quốc thì trên thế giới không có nhiều quốc gia sản xuất được mặt hàng này. Trong khi đó, các kỹ sư và doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất sản phẩm này. Thậm chí, có doanh nghiệp có thể sản xuất mà không phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ. Hay sản phẩm camera an ninh tích hợp AI cũng hoàn toàn nằm trong khả năng của doanh nghiệp Việt.
Có thể thấy ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có nhiều cơ hội đón nhận đầu tư từ Mỹ cho những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nội tại của ngành có những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng đón nhận đầu tư.
Bà Hương cho rằng, doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế đơn hàng bấp bênh và không ổn định. Các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thiếu lao động tay nghề cao, thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ, công nghệ chưa cao.
Ngoài ra, cũng như những ngành sản xuất khác, công nghiệp điện tử đang chịu các quy định về sản xuất bền vững của châu Âu, Mỹ ngày một thắt chặt. Do đó đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp công nghiệp điện tử.
Thách thức sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường
Để kịp thời định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử, Nhà nước phải điều chỉnh chính sách thu hút FDI có chọn lọc khi làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia.
Một vấn đề quan trọng khác, công nghiệp điện tử là một trong những ngành có lượng rác thải phát triển nhanh. Theo số liệu thống kê, trên toàn thế giới có hơn 51 triệu tấn chất thải điện tử vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 68 triệu tấn vào năm 2030.
Để vượt qua những thách thức trên, các doanh nghiệp ngành điện tử đang dần chuyển đổi phương thức sản xuất, lựa chọn công nghệ kỹ thuật tiên tiến, vật liệu có tính chất bền vững, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có xu hướng lựa chọn các vật liệu cho nhà máy, nhà xưởng, nhà kho hướng đến tính bền vững, đồng thời để tăng tính bảo quản các sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, hạn chế sửa chữa hỏng hóc có thể tạo ra rác thải điện tử.
Suốt hơn một thập kỷ qua, Việt Nam nổi lên là một trong những trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới ở các ngành nói chung và ngành công nghiệp điện tử nói riêng. Do vậy, nhu cầu thuê nhà xưởng “xanh” theo hướng cao tầng của các doanh nghiệp đang ở mức cao trước bối cảnh hiện nay diện tích đất cho xây dựng nhà máy, nhà kho ngày càng hạn hẹp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thuê nhà xưởng “xanh” cũng chỉ trong ngắn hạn. Vậy nên, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã ý thức và tính đến việc tự thân áp dụng khoa học tiên tiến trong việc đầu tư xây dựng nhà xưởng để thu hút khách hàng, giảm giá thành sản phẩm, tận dụng nguồn lực sẵn có đang chiếm số đông.