Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ: 30 năm xây dựng, phát triển và đổi mới
Khu vực Nam Trung Bộ trải dài từ Bình Định đến Bình Thuận có đặc điểm địa hình hết sức phức tạp, có đủ các vùng núi cao, đồng bằng ven biển và biển khơi xa như quần đảo Trường Sa, Phú Quí. Do ảnh hưởng của địa hình, khí hậu khu vực Nam Trung Bộ bị phân hóa mạnh mẻ và có những nét độc đáo, khác biệt nhau ở mỗi khu vực ngay khi chịu tác động của cùng một loại hình thế thời tiết.
Những năm gần đây cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết và các hiện tượng thiên tai ở các tỉnh trong khu vực ngày càng biến động phức tạp hơn, không theo quy luật truyền thống. Mùa mưa bão có xu thế xuất hiện sớm và kết thúc muộn hơn, tần suất bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ có xu hướng tăng lên, quỹ đạo di chuyển phức tạp hơn, lũ lớn, lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất đá, xuất hiện nhiều hơn, ác liệt hơn. Ngoài bão và lũ, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng, nhất là ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận (thuộc dạng khô hạn nhất nước), trong mùa khô hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn, cháy rừng cũng đang có nguy cơ gia tăng, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương trong khu vực.
Hành trình 30 năm xây dựng và phát triển
Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Nam Trung Bộ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng quan trắc, điều tra khảo sát khí tượng thủy văn, hải văn, môi trường; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn trong phạm vi 05 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; thực hiện các hoạt động dịch vụ khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ chia sẻ; Qua 30 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và sự quan tâm, giúp đỡ của các Tỉnh uỷ, UBND, các sở ngành, các đối tác trong và ngoài khu vực. Đài đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường kỷ cương, kỷ luật chuyên môn, nâng cao chất lượng tài liệu quan trắc, điều tra và cảnh báo, dự báo KTTV, phục vụ ngày càng có hiệu quả cho công tác chỉ đạo sản xuất, phòng chống thiên tai và phát triển KT-XH ở các tỉnh trong khu vực nói riêng và trên cả nước nói chung và đã đạt được một số thành tựu đáng kể, đáng tự hào.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ được thành lập theo Quyết định số 2199-QĐ/KTTV, ngày 2/8/1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn trên cơ sở hợp nhất 3 Đài KTTV liên tỉnh là Đài KTTV liên tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, Đài KTTV liên tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, Đài KTTV liên tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận (riêng mạng lưới trạm thuộc tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao về Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ).
Khi mới thành lập, Đài có 3 phòng chức năng, 4 trạm Dự báo và phục vụ KTTV tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận), 29 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn và môi trường, 25 điểm đo mưa nhân dân; tổng số biên chế toàn Đài là 152 người.
Xác định đặc thù của Đài có phạm vi quản lý rộng (với hơn 750km chiều dài của đất nước), có nhiều đơn vị hoạt động ở nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi đầu nguồn các con sông, vùng núi cao, ven biển, hải đảo, xa dân, giao thông đi lại hết sức khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần thiếu thốn,… đặc biệt nhất có các trạm trên đảo Trường Sa, Song Tử Tây, Phú Quý. Do vậy, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Đài luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, động viên kịp thời đội ngũ cán bộ, quan trắc viên để mọi người yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Ông Đặng Văn Dũng nói.
Công tác tăng cường đoàn kết nội bộ luôn được chú trọng, Đài tập trung sức mạnh tổng hợp của toàn đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, đặc biệt là sự chỉ đạo của cấp trên, sự giúp đỡ của các cấp chính quyền ở địa phương để hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Thành tựu và đổi mới
Công tác quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường (điều tra cơ bản), là một trong hai lĩnh vực trọng yếu của ngành KTTV. Đài đã tập trung tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tra cơ bản các yếu tố khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường không khí và nước luôn đảm bảo dung lượng và chất lượng.
Theo ông Đặng Văn Dũng, ban đầu khi mới thành lập mật độ lưới trạm KTTV vẫn còn rất thưa (29 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, 25 điểm đo mưa nhân dân), chưa đáp ứng được yêu cầu theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, thủy văn phục vụ công tác dự báo phòng chống thiên tai. Mạng lưới trạm của Đài từng bước phát triển về mật độ cũng như trang thiết bị, phương tiện đo. Hiện nay Đài duy trì hoạt động của 216 trạm/điểm quan trắc thủ công và tự động, trong đó có 36 trạm KTTV quan trắc thủ công (04 trạm khí tượng bề mặt, 02 trạm khí tượng nông nghiệp, 18 trạm thủy văn và 04 trạm hải văn); 152 trạm KTTV quan trắc và truyền tin tự động (112 trạm đo mưa, 07 trạm mưa-nhiệt, 17 trạm thủy văn, 13 trạm khí tượng và 03 trạm hải văn); 05 trạm cao không (02 ra đa thời tiết và 03 pilot); 03 trạm định vị sét, 08 điểm quan trắc môi trường nước sông, nước biển và nước mưa; 10 điểm đo mặn, 18 điểm đo dòng chảy kiệt, 6 đầu camera quan sát,…
Hệ thống công trình, trang thiết bị, máy móc đo đạc, quan trắc trên mạng lưới trạm của Đài đã và đang được trang bị đồng bộ, hiện đại. Hầu hết các thiết bị đo đã được tự động hoá và tự ghi hoá giúp cho công tác đo đạc, quan trắc được thuận lợi và chính xác. Thông qua việc thực hiện thành công Dự án ODA - Italia giai đoạn II “Tăng cường hệ thống cảnh báo và dự báo lũ lụt ở Việt Nam” Đài được trang bị các thiết bị đo đạc tự động, hệ thống truyền phát dữ liệu, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đồng bộ, hiện đại. Cùng với phát triển các trạm tự động, năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt điều chỉnh Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia” (theo Quyết định số 1450/QĐ- BTNMT), Đài được đầu tư xây dựng 02 Trạm ra đa thời tiết Quy Nhơn và ra đa thời tiết Nha Trang (di dời đến vị trí mới), được đưa vào hoạt động chính thức từ năm 2020 và 2021. Số liệu quan trắc từ các trạm ra đa thời tiết được truyền tự động về Đài và Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia, phục vụ cho công tác dự báo KTTV hàng ngày, đặc biệt là dự báo thời tiết hạn cực ngắn.
Công tác kiểm soát số liệu KTTV, chỉnh biên tài liệu, lưu trữ số liệu,.. đều được ứng dụng công nghệ, các phần mềm tin học như chỉnh biên tài liệu thủy văn, phần mềm kiểm soát và lập báo biểu khí tượng đã giúp cho công tác kiểm soát, chỉnh lý số liệu KTTV được nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Nhờ được đầu tư tin học hóa công tác tư liệu, đã giải phóng cho các trạm khỏi công việc lập báo biểu thủ công, tiết kiệm thời gian và luôn nâng cao được chất lượng tài liệu.
Bên cạnh đó, việc quan tâm chỉ đạo các trạm thực hiện đúng quy trình, quy phạm chuyên môn, kiểm tra, thanh tra kỹ thuật mạng lưới trạm, xử lý kịp thời những sai sót của các trạm được duy trì thường xuyên. Vì vậy chất lượng công tác quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường hàng năm của Đài đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao, được đánh giá trong top đầu của các Đài khu vực. Kể từ khi triển khai các hạng mục quan trắc theo đặt hàng, các trạm KTTV đều luôn đảm bảo khối lượng và chất lượng. Theo đánh giá hàng năm, khối lượng quan trắc và chất lượng hoạt động ở các bộ môn toàn mạng lưới của Đài đều đạt trên 92,0 điểm, xếp loại tốt.
Trong công tác thông tin, dữ liệu KTTV của Đài đã có những bước tiến vượt bậc. Một mặt Đài tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả những công nghệ mà ngành đã đầu tư, phục vụ cho công tác thu nhận thông tin phục vụ dự báo, đảm bảo đầy đủ và kịp thời lượng thông tin cần thiết, mặt khác Đài không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng mạng thông tin nội bộ. Trên nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đang được sử dụng Việt Nam, Đài đã đưa vào áp dụng trong công tác truyền phát dữ liệu qua nhiều giải pháp mạng internet, điện thoại, vô tuyến điện,…
Ngoài ra, Đài đã triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao năng lực dự báo KTTV. Hiện nay hệ thống máy móc, trang thiết bị cho công tác dự báo KTTV được trang bị, nâng cấp đồng bộ như máy thu ảnh vệ tinh phân giải cao, ra đa thời tiết, hệ thống thông tin, điện báo, quan trắc và truyền số liệu tự động, với những thiết bị hiện đại, tiên tiến của thế giới. Nét nổi bật trong công tác dự báo của Đài là việc tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng dự báo và cải tiến công tác dự báo theo hướng định lượng hóa (dự báo số trị), tự động hóa và hiện đại hóa; áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, khai thác tốt các mô hình dự báo tiên tiến do Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia chuyển giao kết hợp tham khảo các mô hình dự báo của các Viện nghiên cứu, Trường Đại học trong nước, các Trung tâm dự báo khu vực và thế giới, mạng Internet,…
Từ chỗ chỉ sử dụng công cụ dự báo chủ yếu bằng phương pháp Synop truyền thống, phương pháp thống kê đơn giản là chủ yếu, đến nay Đài đã ứng dụng sản phẩm của các mô hình dự báo số vào nghiệp vụ như HRM, WRF, SmartMet,… cho dự báo thời tiết kết hợp phân tích các sản phẩm của ra đa thời tiết Quy Nhơn, Nha Trang; các mô hình Mike cho dự báo thủy văn; mô hình SWAN, ROM, công cụ DNORA, dự báo hải văn. Đặc biệt, Đài xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu kết nối với phần mềm xây dựng bản tin, nhờ có phần mềm đó các bản tin tránh được sai sót và giảm thời gian trong xây dựng hồ sơ kỹ thuật và đánh giá chất lượng bản tin…
Nhờ áp dụng các công nghệ dự báo mới vào nghiệp vụ nên chất lượng các bản tin dự báo ngày càng được nâng lên, đạt và vượt chỉ tiêu Tổng cục KTTV giao theo nhiệm vụ đặt hàng, đáp ứng yêu cầu của các cấp, các ngành và nhân dân trong khu vực về phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, được UBND các tỉnh trong khu vực đánh giá cao. Điển hình Đài đã dự báo khá tốt các đợt mưa, bão, lũ lớn và nhận định về lượng mưa, diện mưa khá chính xác, nhận định tình hình lũ và đỉnh lũ kịp thời, sát thực tế trong các đợt bão số 9 (Durian) năm 2007, bão số 10 (Noul) năm 2008, bão số 11(Ketsana) năm 2009, bão số 12 (Damrey), số 16 (Tembin) năm 2017, đã đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ, gây gió lớn, mưa to, đe dọa các hoạt động của ngư dân trên biển cũng như một số vùng ven biển phải sơ tán khẩn cấp....
Với những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển và đổi mới, trong 30 năm qua Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ đã được nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh trong khu vực và các tổ chức đoàn thể tặng nhiều danh hiệu, nhiều phần thưởng cao quí: Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2013); Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2004); Huân chương Lao động hạng ba (năm 1996); Cờ luân lưu, cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (năm 1995, 1997, 1998, 2001, 2011); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2000, 2012); Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2009, 2011, 2013, 2023); Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2006, 2010, 2012, 2016, 2020, 2021, 2023); Bằng khen của Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo PCLB Trung ương (năm 2009, 2010)... Bên cạnh đó, có 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3, 2 cá nhân đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc...
Ba mươi năm bền bỉ phấn đấu, xây dựng, phát triển và đổi mới, Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ luôn tâm nguyện như là bước đi ban đầu, tạo tiền đề cho những chặng đường tiếp theo đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng hết sức vinh quang và rất đổi tự hào .