Biến đổi khí hậu

Đô thị nóng lên! - Bài 3: Đà Nẵng tìm cách “làm mát” đô thị

Lan Anh 25/07/2024 - 10:35

(TN&MT) - Mặt nước, cây xanh được Đà Nẵng xác định là những yếu tố bền vững để giảm sức nóng cho thành phố...

Nằm sát biển, khí hậu mát mẻ vậy mà Đà Nẵng đã có thời điểm ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trên 400C. Nguyên nhân được chỉ ra là do tác động của hiện tượng El-Nino cùng quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ đã khiến cho nền nhiệt trung bình của thành phố có xu hướng tăng cao và các đợt nắng nóng cũng xảy ra nhiều hơn.

Nắng nóng ngày càng khốc liệt

Số liệu quan trắc tự động đo được tại trạm khí tượng vào thời điểm tháng 4/2024 ở Đà Nẵng đã lên đến hơn 400C. Tuy nhiên, cảm giác thực tế của hầu hết mọi người vào thời điểm giữa trưa như 500C. Nắng nóng gay gắt khiến cho cuộc sống của người dân ở thành phố biển bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn, nhất là những người lao động phải mưu sinh ngoài trời.

Ghi nhận vào trưa 27/4, Đà Nẵng nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ghi nhận từ khoảng 40°C. Hầu hết người dân khi tham gia giao thông vào thời điểm này đều bịt kín áo, mũ, kính râm để tránh cái nắng "rát da rát thịt". Ảnh: Giang Thanh

Những bóng mát của cây xanh, gầm cầu là điểm nghỉ của nhiều người lao động sau hàng giờ “phơi mình” dưới nắng gắt để mưu sinh. Tuy nhiên, ở một số khu vực, người lao động không dễ tìm các bóng mát này khi diện tích cây xanh đang giảm dần.

Theo ông Phạm Văn Chiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yếu tố nhiệt độ tăng nhanh trong thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân khiến nắng nóng khốc liệt hơn, điển hình đợt nắng nóng trong tháng 4/2024 vừa qua tại khu vực Trung Trung Bộ, nhiều nơi nhiệt độ cao nhất đã vượt chuỗi giá trị lịch sử từ năm 1976 đến nay.

Ngoài ra, quá trình phát triển đô thị diễn ra một cách nhanh chóng cũng là nguyên nhân. Nói cụ thể hơn, khi tốc độ đô thị hóa cao, xuất hiện nhiều tòa nhà cao tầng cũng như sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông cá nhân trong khi những mảng xanh của cây cối, hồ nước còn ít, thì hiện tượng đảo nhiệt đô thị sẽ mạnh hơn. Nhân tố thứ 2 góp phần tạo ra đảo nhiệt đô thị là lượng nhiệt thải ra do quá trình sử dụng năng lượng như các thiết bị điều hòa, thiết bị điện, bếp nướng...

Tăng diện tích cây xanh, đất công viên

Theo báo cáo của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng có xu thế tăng cao dần theo thời gian, đặc biệt là trong giai đoạn (1984 - 2010) xu thế tăng nhiệt độ rất rõ rệt. Với xu thế này, có thể dự báo giai đoạn từ nay và đến những năm 2040, 2050 nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng gia tăng đáng kể, có khả năng đạt đến 26,50C vào năm 2040 và 26,80C vào năm 2050. So với năm 1990 của thế kỷ XX thì nhiệt độ trung bình năm tại Đà Nẵng năm 2040 sẽ tăng thêm 0,80C và đến năm 2050 sẽ tăng thêm 1,10C.

bai-3.jpg
Đà Nẵng sẽ quy hoạch thêm công viên, tăng diện tích cây xanh để giảm nhiệt cho đô thị

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết “làm mát đô thị”. Theo các chuyên gia quy hoạch, với đô thị biển Đà Nẵng, các giải pháp chống nóng cần được lồng ghép ngay từ khâu quy hoạch cơ sở hạ tầng và thiết kế đô thị, tập trung vào giảm nhiệt ở phạm vi khu vực, giải pháp dựa vào tự nhiên. Trong đó, giải pháp được áp dụng khả thi nhất là tăng diện tích không gian cây xanh, mặt nước và bảo vệ những diện tích rừng...

Ngoài ra, theo ông Phạm Văn Chiến, cần sử dụng tiết kiệm các thiết bị điện, ưu tiên các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng xe cơ giới cá nhân nhằm giảm bớt lượng nhiệt thải ra môi trường.

Hiện, thành phố chưa đạt tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị tối thiểu là 6m2/người (hiện chỉ đạt 4,34m2 cây xanh/người). Vì vậy, thành phố cần phải triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng này.

Mới đây, Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại một số phân khu. Trong quá trình lập các quy hoạch phân khu, một số đồ án quy hoạch phân khu ưu tiên cho công viên, diện tích cây xanh... đã được UBND thành phố phê duyệt. Đồ án quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông nêu rõ, diện tích cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị bình quân 6,1m2/người. Còn đồ án quy hoạch phân khu ven vịnh Đà Nẵng (1.573ha) thể hiện tổng diện tích trồng cây xanh là 58,2ha, chiếm 3,7% tổng diện tích toàn phân khu.

Ngoài ra, các khu công viên hiện trạng và công viên được quy hoạch sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp phục vụ người dân và tạo thành những điểm đến quan trọng như: công viên cây xanh khu vực đường vành đai phía Tây 2, công viên ở khu vực hồ Tây… Mặt nước, cây xanh được Đà Nẵng xác định là những yếu tố bền vững để giảm sức nóng cho thành phố.

Box: Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 3431/QĐ-UBND ngày 30/12/2022, thành phố đã xác định lộ trình, giải pháp khắc phục và hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt. Cụ thể, đối với diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 5m2/người và 6m2/người vào năm 2030; diện tích đất cây xanh toàn đô thị đạt 10m2/người vào năm 2025 và 15m2/người vào năm 2030.

Lan Anh