Trong nước

Tấm lòng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thương binh, Liệt sỹ

PGS,TS. Nguyễn Thanh Tú 25/07/2024 08:19

(TN&MT) - Là một nhà văn hóa lớn, ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trân trọng, thấu hiểu sự hy sinh và dành tình cảm quan tâm sâu sắc đối với thương binh, người có công với cách mạng, thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ. Sự quan tâm ấy thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang quốc gia Đường 9.

Năm 2017, phát biểu tại Lễ mít tinh Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động chia sẻ: “Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nói. Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền trong sử sách”.

Những lời tâm huyết của Tổng Bí thư không còn là ngôn từ thông thường mà là tiếng nói của trái tim yêu thương, kính trọng và tấm lòng chia sẻ nỗi đau, nỗi mất mát lớn lao của những người con đã hy sinh thân thể hoặc một phần máu xương để Tổ quốc nở hoa độc lập. Tình thương, lòng biết ơn là một hằng số văn hóa của dân tộc Việt Nam, vậy nên, lời của Tổng Bí thư đã trở thành tiếng nói chung của dân tộc.

Là một nhà văn hóa lớn, lại ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Đồng chí Tổng Bí thư thấu hiểu sự hy sinh của các thương binh, liệt sỹ và gia đình thương binh, liệt sỹ. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư đề nghị các cấp lãnh đạo luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ, xây dựng, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ... Sự quan tâm ấy thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Tổng Bí thư đã có buổi gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công đại diện cho hàng triệu lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ở khắp mọi miền Tổ quốc. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ngày 27/7 hằng năm là “ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam”; Cũng là dịp “để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng…”. Những lời chân tình, ân nghĩa của người lãnh đạo Đảng cao nhất làm ấm lòng những thương binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công; tiếp thêm động lực, niềm tự hào vượt qua mất mát đau thương, vững bước trong cuộc sống.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tang-qua-cac-dai-bieu-nguoi-co-cong-tieu-bieu-toan-quoc..png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc nhaan Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Thấu hiểu và thấu cảm hoàn cảnh những người đã vì nước mà chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, Tổng Bí thư cùng Ban Bí thư ra Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách với người có công. Đúng như Đồng chí nói: “Đây là yếu tố để đảm bảo công bằng xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ, củng cố niềm tin của người dân với Nhà nước. Cần đưa việc này thành hành động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội”. Việc ưu tiên nguồn lực giải quyết nhu cầu cấp thiết đối với người có công, đẩy mạnh phong trào xã hội hóa trên cơ sở kết hợp nguồn lực Nhà nước và xã hội, là việc làm nhân văn, sâu nặng tình người, đậm bản sắc văn hóa Việt.

Tấm lòng của Tổng Bí thư cũng là của Đảng ta quan tâm một cách thiết thực, cụ thể, rất hiệu quả, thể hiện qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như xây dựng “Nhà tình nghĩa”, sáng lập “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... Tình thương kêu gọi tình thương. Việc làm nhân ái đánh thức việc làm nhân ái. Những hoạt động trách nhiệm, tình nghĩa ấy được hưởng ứng rộng rãi trong toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng đầy ý nghĩa.

tbt-tham-gd-tb.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chiều 12/4/2017. Ảnh Trí Dũng TTXVN

Quan tâm thiết thực cả về vật chất và tinh thần nhưng Tổng Bí thư cũng rất mong các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công vươn lên trong mọi hoàn cảnh để khẳng định ý chí, nghị lực, xứng đáng với chính công lao đóng góp của mình cho đất nước. Đồng chí kêu gọi với phẩm chất dũng cảm, tinh thần vươn lên sẵn có, anh em hãy vượt lên mọi khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong học tập, lao động, sản xuất, công tác, góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Nhắc lại lời Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, Đồng chí mong anh em dù có thể sức khỏe không được như người bình thường nên ý chí càng phải mạnh mẽ, để vươn lên, để làm chủ công việc, làm chủ đời sống. Đó là bản lĩnh của người cách mạng.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư hoan nghênh và cảm ơn tấm lòng tri ân của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nói chung đã cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng Chính phủ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực vừa thể hiện tấm lòng biết ơn vừa khơi dậy niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc; giáo dục đạo lý truyền thống yêu nước, thương người, nhớ về nguồn cội…

Những lời chí tình của Tổng Bí thư thấm thía vào trái tim mọi người, nhất là với những cựu chiến binh từng hy sinh tuổi trẻ đẹp nhất trên trận tuyến đuổi quân xâm lược. Đại tá, Thương binh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thế Thao - Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Thành Cổ (Quảng Trị) tâm sự, rất thấm thía lời phát biểu của Tổng Bí thư, càng thấm thía bao nhiêu, ông càng day dứt hơn khi nghĩ về những đồng đội vẫn còn nằm lại chiến trường...

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-gia-dinh-me-vnah-doan-thi-y-ap-2-xa-gia-thuan-huyen-go-cong-dong-nam-2016-anh-duy-son..png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình Mẹ VNAH Đoàn Thị Y, ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông năm 2016 ảnh Duy Sơn.

Ngày 19/7/2024, Đồng chí Tổng Bí thư - một trí tuệ lỗi lạc, một nhân cách lớn của Đảng, của nhân dân ta đã đi gặp Bác Hồ, gặp các Cụ Các Mác, Lê nin… Một tấm lòng luôn quan tâm đến thương binh, liệt sỹ, đến gia đình người có công, đã lên đường cùng anh linh liệt sỹ. Bao trái tim thổn thức trước sự ra đi này. Cựu chiến binh Văn Hữu Khanh, thương binh hạng ¼ quê xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (Yên Bái) từng vinh dự được Tổng Bí thư đến nhà thăm hỏi, tặng quà, nghe tin Đồng chí ra đi, cứ bàng hoàng nâng niu tấm ảnh được chụp chung với người lãnh đạo cao nhất của Đảng mà nghẹn ngào xúc động…

thuong-binh-hang-1.4-van-huu-khanh-o-thon-6-xa-viet-cuong-huyen-tran-yen-xuc-dong-khi-xem-lai-buc-anh-quy-gia-duoc-chup-chung-voi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong..png
Ông Văn Hữu Khanh - Thương binh hạng 1/4 (thôn 6, xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, Yên Bái) xúc động ngắm bức ảnh quý giá được chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những ngày này, cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ai cũng bồi hồi xúc động, ai cũng tự nhủ sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn để xứng đáng với quá khứ vẻ vang, với các Anh hùng, liệt sỹ, thương binh, và với Đồng chí Tổng Bí thư kính yêu của toàn dân tộc!

Anh hùng LLVTND Ngô Thị Tuyển bồi hồi nhớ lại gần 15 năm trước, ngày 18/12/2009, trong buổi gặp mặt các Anh hùng quân đội vinh dự được gặp Bác Hồ, bà may mắn được gặp Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội). Anh hùng Ngô Thị Tuyển nhớ mãi hình ảnh Đồng chí lần lượt bắt tay, trò chuyện, hỏi han từng người, với các đồng chí Trần Hanh, Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Tuân... Đồng chí động viên anh chị em tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, thi đua học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Khi chụp ảnh lưu niệm, Đồng chí kéo tay các nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Chiên đứng cạnh… ấm áp, ân tình, thân thiết, không còn cảm giác cấp trên cấp dưới mà như anh em trong một gia đình…

Những anh chị em hôm ấy vẫn giữ liên lạc, thường xuyên kể cho nhau những hình ảnh, câu chuyện thiêng liêng. Ai cũng vui mừng khi Đảng ta tiến hành cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để Đảng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin tưởng hơn… Ai cũng chia sẻ những lời phát biểu thấm thía của Đồng chí Tổng Bí thư, có cả đạo lý, chân lý, cả lý trí và tình thương: “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy, cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây”. Thế mà…

screenshot_1721725221.png
Ảnh chụp lại từ gia đình Anh hùng Ngô Thị Tuyển

Mấy hôm rồi trời Hà Nội mưa. Cả miền Bắc mưa… Dường như câu thơ của Tố Hữu viết trong những ngày tang lễ Bác Hồ: “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Trời tuôn nước mắt, đời tuôn mưa”, lại đúng với cảnh này, khi cả nước, cả đất trời nghiêng mình tiễn người con ưu tú của dân tộc về với các vị cán bộ cách mạng tiền bối, về với Tổ tiên. Cũng những ngày này, cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ai cũng bồi hồi xúc động, ai cũng tự nhủ sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn để xứng đáng với quá khứ vẻ vang, với các Anh hùng, liệt sỹ, thương binh, và với Đồng chí Tổng Bí thư kính yêu của toàn dân tộc!

PGS,TS. Nguyễn Thanh Tú