Doanh nghiệp dệt may tìm hướng xuất khẩu mới, phát triển về chiều sâu
Tích cực tìm kiếm các đối tác xuất khẩu tại các thị trường mới là cách để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không bị phụ thuộc hoàn toàn vào các đối tác chủ lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành dệt may tiếp tục phát triển về chiều sâu, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng phát triển bền vững.
Tìm cơ hội ở thị trường mới
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, xuất khẩu dệt may đã có nhiều khởi sắc. Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 19 tỷ 530 triệu USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần hàng may mặc vào thị trường Mỹ.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết: “Đơn hàng đã bắt đầu ổn định, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 10 và 11/2024. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước kỳ vọng sự tăng trưởng diễn ra mạnh mẽ hơn về cuối năm nay với mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD cho cả năm”.
Cũng theo ông Giang, ngành dệt may Việt Nam có được sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Hàng tồn kho trong năm 2023 đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện thông qua VITAS để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
Theo ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 - mùa cao điểm cho các đơn hàng dịp Noel và Tết. Ông hiếu cũng dự báo về kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2024 tăng từ 8-10% so với năm 2023.
Có được những tín hiệu khả quan như vậy, bên cạnh sự hồi phục của kinh tế thế giới, tiêu dùng tăng trưởng trở lại còn nhờ sự nỗ lực tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu mới như châu Phi, Ấn Độ,... Việc chủ động tìm kiếm khách hàng mới, đặc biệt ở các thị trường ngách, được xem là chìa khóa giúp các doanh nghiệp dệt may giữ được sự ổn định trong giai đoạn hiện nay.
Chẳng hạn Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong sản xuất vải và trang phục chống cháy với Tập đoàn Coats (Vương Quốc Anh). Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, nghiên cứu sản xuất sản phẩm vải chống cháy là một trong những bước đi tìm đường thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường, hiện đã quá khốc liệt cạnh tranh về giá cả.
“Đây không phải là sản phẩm tiêu dùng thông thường mà là sản phẩm kỹ thuật đặc biệt. Công nghệ sản xuất là công nghệ bản quyền, sản phẩm không kinh doanh trên hệ thống thương mại thông thường mà dựa trên yêu cầu pháp lý của các thị trường. Sản phẩm này sẽ đi vào thị trường ngách, không phải hàng thời trang mà là hàng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho con người”, Chủ tịch Vinatex chia sẻ. Dự kiến, những đơn hàng năm 2024 sẽ mang lại thêm doanh thu 5 triệu USD.
Còn Tổng Công ty May 10 sau khi thử nghiệm hướng chọn các đơn hàng phức tạp, số lượng nhỏ, năm nay họ tiếp tục duy trì các đơn yêu cầu kỹ thuật khó và linh hoạt thời gian nhận đơn để không bị trống chuyền, họ cũng kỳ vọng đơn giá sẽ được duyệt tăng hơn so với 2023.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp dệt may, chuyên gia của Ngân hàng HSBC nói rằng việc tích cực tìm kiếm các đối tác xuất khẩu tại các thị trường mới là cách để các đơn vị không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một đối tác chủ lực, từ đó có thể chủ động về giá cả tương xứng với chất lượng đơn hàng, giảm bớt rủi ro về biến động tỷ giá hiện nay.
Đầu tư vào chiều sâu
Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu tại các thị trường mới, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục phát triển về chiều sâu, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang hướng tinh gọn phù hợp với giai đoạn phát triển mới nhằm mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng....
Tại Triển lãm Quốc tế ngành Dệt may và Công nghệ Dệt may 2024 (VIATT 2024), Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trước các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu đã đặt ra đến năm 2030, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, áp dụng chuyển đổi số; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường, thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, giảm thiểu dấu chân carbon…
“Doanh nghiệp cần tìm được hướng đi phù hợp, bảo đảm công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người lao động; đẩy lùi những khó khăn, hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng lưu ý thêm.
Bảo vệ môi trường là một vấn đề nữa mà doanh nghiệp ngành dệt may cũng phải chú trọng. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Bởi doanh nghiệp ngành này đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc quản lý chất thải, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức và đặc biệt là chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”.
Trong đó, vấn đề xanh hoá và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản,… yêu cầu ở các nhà cung cấp bên cạnh các yếu tố về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng.