Xã hội

Quảng Ninh: Nhiều chính sách hỗ trợ người dân ven biển nâng cao đời sống

Phạm Hoạch 24/07/2024 - 17:27

(TN&MT) - Bước vào giai đoạn thực hiện chương trình giảm nghèo theo tiêu chí nâng cao của tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều chính sách nhằm tạo ra việc làm và thu nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là bà con ngư dân vùng ven biển.

Theo số liệu thống kê mới nhất, 6 tháng đầu năm 2024, tổng kinh phí thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 1.144 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trước đó, trong giai đoạn 2020- 2022, tổng chi cho an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Trong năm 2023 đã có khoảng 1.400 tỷ đồng được Quảng Ninh chi cho công tác an sinh, tập trung vào các chính sách việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi.

anh-qy-01.jpg
Người dân phường Nam Hòa, TX.Quảng Yên được vay vốn phát triển nghề nuôi thủy sản, góp phần nâng cao đời sống

Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh giảm 121/246 hộ nghèo, bằng 49,19% kế hoạch năm, giảm 828 hộ cận nghèo, bằng 69% kế hoạch năm. Để có được kết quả trên, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội nói chung còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng về an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo.

Theo đó, Quảng Ninh đã phân bổ 300 tỷ đồng để triển khai cho vay vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo. Đến nay, toàn tỉnh có 4.157 lượt hộ dân khu vực này được vay vốn, với tổng dư nợ gần 300 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn vay, người dân đã triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như: Trồng rừng kết hợp cây dược liệu, chăn nuôi gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đó, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động địa phương, góp phần nâng thu nhập của người dân đạt 73,348 triệu đồng/người/năm, tạo ra động lực phát triển đối với vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo.

Thị xã Quảng Yên có 6.468 ha đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS). Với đặc điểm địa hình, vùng nước cửa sông, biển có nhiều thuận lợi nên thị xã được xác định là vùng trọng điểm NTTS với loài nhuyễn thể như hàu, hà. Tuy nhiên, thời gian trước năm 2024, diện tích biển của thị xã chưa được tích hợp vào quy hoạch vùng nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh, do đó rất khó khăn trong công tác quản lý, giao khu vực biển và cấp phép NTTS trên biển đối với người dân ở địa phương.

anh-qy-02(1).jpg
Mô hình nuôi cá thương phẩm tại xã ven biển Đầm Hà, huyện Đầm Hà đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương

Trong giai đoạn từ năm 2017- 2020, thị xã đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 56 tổ chức, cá nhân, ngư dân, chủ yếu là lĩnh vực khai thác thủy sản đối với nâng cấp, đóng mới tàu cá khai thác xa bờ với tàu có công suất 90CV trở lên với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trên 10 tỷ đồng. Các hộ ngư dân đã thực hiện cải hoán, nâng cấp tàu, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá giả.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX.Quảng Yên cho biết: Để hỗ trợ cho các hộ làm nghề đánh bắt và NTTS, ngoài việc hỗ trợ ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu cá, để giải quyết vấn đề việc làm, lao động trong lĩnh vực thủy sản, thị xã đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã xây dựng đề án NTTS trên biển với diện tích 865ha. Mục đích của đề án là tạo ra vùng nuôi biển ổn định, đảm bảo các quy chuẩn về môi trường và NTTS, tạo việc làm, gia tăng giá trị thu nhập cho ngư dân và những người nuôi bờ bị thu hồi đất phải chuyển đổi nghề.

Còn tại huyện Vân Đồn, với địa hình bám biển, với 5 xã đảo nằm xa đất liền, nên điều kiện còn nhiều khó khăn. Với sự quyết tâm của địa phương, bằng nhiều chính sách hiệu quả, đến hết năm 2023, huyện không còn hộ nghèo, chỉ còn 80 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025. Nhờ tích cực triển khai đồng bộ các chính sách, giảm pháp để giảm hộ cận nghèo nhanh, bền vững, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn huyện đã giảm được 80/80 hộ cận nghèo, đạt 100% kế hoạch đề ra.

anh-qy-03.jpg
Nghề đào sá sùng đem lại thu nhập ổn định cho ngư dân ở xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn

Cùng với đó huyện Vân Đồn luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho 100% hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo; 100% hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, NTTS trên biển, góp phần nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có được kết quả trên là do các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm luôn được huyện Vân Đồn quan tâm, triển khai đạt hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh tổ chức tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn về hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 190 người dân tại các xã Bản Sen, Bình Dân, Đông Xá. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ tổ chức 2 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng cho lao động nông thôn tại xã Bình Dân và thị trấn Cái Rồng.

Bằng nhiều chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS ở huyện miền núi, biên giới, hải đảo, đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhất là đối với ngư dân an tâm bám biển, phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững mà Quảng Ninh đang quyết liệt triển khai nhằm xây dựng tỉnh trở thành địa phương giàu mạnh từ biển.

Phạm Hoạch