Xã hội

Đại Từ (Thái Nguyên): Mở cơ hội thoát nghèo nhờ trồng chè VietGap

Việt Anh 24/07/2024 - 16:37

(TN&MT) - Mong muốn nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đồng thời tạo việc làm giúp người dân địa phương thoát nghèo, nhiều HTX ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đang không ngừng ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap - hướng hữu cơ.

"Điểm tựa" giảm nghèo

Xác định cây chè là cây trồng thế mạnh, một trong những nông sản chủ lực, huyện Đại Từ đã tập trung phát triển cây chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhờ phát triển cây chè, nhiều hộ dân ở Đại Từ đã có nguồn thu nhập tương đối ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, thời gian qua, huyện Đại Từ đã hỗ trợ các HTX hệ thống máy sao chè bằng gas, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm với sự tham gia của các HTX và tổ hợp tác, phát triển theo hướng sạch, đạt chuẩn GAP và hữu cơ. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến chè của toàn huyện đạt 100%, khâu bảo quản sản phẩm đạt trên 65%.

z5657241098271_cbd792211e791bccfcf4ced0a13ea3b5.jpg
Chè - cây trồng mũi nhọn của người dân Đại Từ

Là một trong số các HTX được hỗ trợ, chị Hà Thị Yến, Giám đốc HTX chè Hải Yến, xã Phú Thịnh, chia sẻ: Thông qua Dự án, các thành viên HTX được tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ kinh phí để thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè theo quy chuẩn VietGAP.

Kết quả, năm 2020, HTX đã xây dựng thành công 2 sản phẩm chè đạt 4 sao OCOP. Từ khi có thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành biết đến và lựa chọn... Hiện nay, trên 10ha chè của HTX vẫn đang duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt khoảng 121 tấn, cho doanh thu trên 1,2 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Đại Từ, đến nay, toàn huyện có trên 1.600ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 15ha chè thuộc xã La Bằng, Phú Xuyên được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Đặc biệt, 7 vùng chè của HTX chè La Bằng (xã La Bằng), HTX chè Hải Yến (xã Phú Thịnh), HTX chè sạch Quang Minh (xã Phú Cường), HTX nông nghiệp Hoàng Hải (xã Tiên Hội), HTX chè Cầu Đá (xã Hoàng Nông), HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh), HTX chè Tuất Thoi (xã Phú Xuyên) đã được cấp mã số vùng trồng…

Đây chính là tiền đề quan trọng để các HTX có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, nhiều HTX, tổ hợp tác cũng đã chủ động đầu tư, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện Đại Từ có 6 HTX chè đã đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; 11 HTX thiết kế logo, bao bì, nhãn mác riêng; 5 HTX xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Nhiều HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chia sẻ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 700 thành viên và 600 lao động địa phương. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX hiện đạt từ 4,5 triệu đồng/người/tháng, nhiều thành viên HTX đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chè.

them-niem-vui-2-anh-dai-dien-.jpg
Chè đã được chọn là cây trồng chủ lực, với sự tham gia của các HTX và tổ hợp tác, phát triển theo hướng sạch, an toàn

Các HTX đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, 52% HTX nông nghiệp trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX đã từng bước thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bước đầu mang lại kết quả khả quan, như: HTX chè La Bằng, HTX chè Nhật Thức, HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn…

Đặc biệt, sản xuất chè hữu cơ đã tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chinh phục thị trường quốc tế.

Ðể cây chè phát triển bền vững

Xác định vị trí, vai trò quan trọng của cây chè trong phát triển kinh tế xã hội, huyện Đại Từ đã tiến hành quy hoạch phát triển cây chè và xác định bản đồ thổ nhưỡng cho phát triển cây chè đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, huyện xác định đưa giải pháp công nghệ để nâng cao giá trị cây chè nói chung, sản phẩm chè an toàn nói riêng. Đại Từ phấn đấu đến năm 2030, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP chiếm 60% tổng diện tích chè, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ chiếm 5% tổng diện tích chè. Khi đó, chất lượng sản phẩm chè Đại Từ sẽ được nâng cao, đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế.

z5657241105738_6815690f8ccbe6f13065ca4a2c16dda1.jpg
Sản phẩm Chè Đại Từ Thái Nguyên ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng

Thời gian tới, huyện Đại Từ tiếp tục khuyến khích các HTX phát triển, huy động nguồn lực để đầu tư hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các HTX. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt trên 80%, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động tại các HTX hằng năm tăng từ 10% trở lên. Đặc biệt là các HTX đã khẳng định được vai trò trong xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, phân bón, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất cho các hộ dân. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã và đang tham mưu cho UBND huyện những cơ chế, chính sách có lợi cho việc phát triển cây chè cho người dân góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Việt Anh