Hòa Bình lan tỏa nhiều mô hình, dự án giúp dân giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Xuất phát từ đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, cho nên những năm qua, công tác dân vận được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình. Lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều mô hình, phong trào giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.
Hiệu quả từ mô hình “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh”
Là tỉnh miền núi, Hòa Bình có hơn 74% dân số là đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao…, đời sống nhân dân nhiều nơi còn khó khăn. Một trong những nơi như vậy là xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy. Nhưng đời sống của bà con nơi đây đã dần được cải thiện nhờ nghề trồng cam, trồng bưởi.
Thời gian đầu, Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Thủy hỗ trợ một phần kinh phí và vận động một số hộ gia đình mở rộng diện tích trồng cam và bưởi Diễn. Thấy cây bưởi cho giá trị kinh tế nên người dân bắt đầu học tập, trồng theo. Nhờ cây bưởi mà những năm gần đây đời sống của người dân trong xóm được nâng lên. Hiện cả xóm có gần 800 nhân khẩu nhưng chỉ còn 1 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo, bà con đoàn kết, tệ nạn xã hội không còn.
Vào thời điểm chính vụ thu hoạch bưởi, ai cũng ấn tượng trước những vườn cam, vườn bưởi sai trĩu quả đang chín vàng rộ. Người dân nơi đây rất phấn khởi vì bưởi ở đây quả to, mã đẹp cho nên đông đảo thương lái tìm đến thu mua. Trung bình, giá bưởi thu mua tại vườn khoảng hơn 10 nghìn đồng/kg, loại đẹp lên đến gần 20 nghìn đồng/kg.
Trước đây tình hình an ninh trật tự ở xóm Đại Đồng khá phức tạp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Năm 2016, Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Thủy lựa chọn địa phương để triển khai mô hình “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh”.
Thực hiện mô hình này, lực lượng vũ trang huyện phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cam, bưởi để phát triển kinh tế, kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng xóm theo tiêu chí nông thôn mới.
“Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh” là mô hình giúp dân tiêu biểu, đặc trưng riêng có của lực lượng vũ trang tỉnh Hòa Bình và được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai từ năm 2009.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 38 “Làng, bản văn hóa quốc phòng, an ninh”. Với 4 mục tiêu cơ bản là: Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng, xóm yên vui, mô hình đã góp phần giúp nhiều bản, làng khó khăn trong tỉnh dần phát triển hơn.
Triển khai các dự án, chính sách phù hợp từng nhóm đối tượng
Bên cạnh đó, theo đại diện Ban Dân vận, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình, hiện nay, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đang triển khai hiệu quả một số mô hình giúp dân, tiêu biểu như mô hình “Đồng hành cùng em đến trường”.
Triển khai mô hình này, 5 năm qua lực lượng vũ trang tỉnh đã vận động quyên góp, trao tặng 2.081 xe đạp, 545 cặp sách, 144 suất học bổng, 747 thẻ bảo hiểm y tế..., với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng; mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng” đã hỗ trợ xây 20 nhà với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Hay mới đây là mô hình “Công trình 100 đồng thắp sáng niềm tin”, với việc lắp gần 100 cột đèn chiếu sáng tại một số trục đường nông thôn ở xã Trung Thành, huyện Đà Bắc.
Cùng với đó, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn; nạo vét kênh mương nội đồng; giúp gia đình chính sách, hộ nghèo sửa nhà, dọn vệ sinh, cải tạo vườn tạp..., với tổng giá trị nhân lực, vật lực đóng góp trong 5 năm gần đây lên đến hơn 6,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, lực lượng vũ trang tỉnh còn đóng vai trò nòng cốt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị bám sát cơ sở, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp từng thời điểm, từng địa bàn; ưu tiên những bản, làng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài những mô hình trên, các dự án, chính sách giảm nghèo cũng được tỉnh Hòa Bình triển khai đồng bộ, phù hợp từng nhóm đối tượng, các nguồn lực được tăng cường lồng ghép từ ngân sách, cộng đồng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Bên cạnh các dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất đang triển khai bước đầu, tỉnh tập trung cho dự án phát triển giáo dục, việc làm bền vững.
Đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, tỉnh đã thực hiện dự án xây dựng khu liên hợp cơ sở thực hành và ký túc xá học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hoà Bình và dự án mở rộng trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hoà Bình; nghiên cứu mô hình khởi nghiệp hiệu quả trong học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phát triển chương trình, học liệu và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, tổ chức ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động và tư vấn, giới thiệu việc làm; triển khai chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hoá thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu của 10 huyện, thành phố.
Có thể thấy, các mô hình, dự án, chính sách giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào tăng cường mối đoàn kết quân dân tỉnh Hòa Bình; củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương; góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc. Hy vọng rằng, những mô hình, phong trào trên sẽ tiếp tục được tỉnh triển khai, nhân rộng trong thời gian tới.