Kinh tế

Gia Lai: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng tới giảm nghèo bền vững

Trần Thọ 24/07/2024 - 14:53

(TN&MT) - Tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiệu quả bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng đắn, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

giam-ngheo-gia-lai-1-1-.jpg
Gia Lai hiện có hơn 4000 ha cây sầu riêng, cây sầu riêng đang dần thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả

Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên với tổng diện tích tự nhiên là 15.510,13 km2 và thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn. Khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, thiên tai đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai. Nhiều loại cây trồng có khả năng chống chịu kém đã bị thiệt hại do hạn hán, mưa đá, lốc xoáy; năng suất và chất lượng bị giảm sút nghiêm trọng. Để thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tỉnh Gia Lai tăng cường thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của UBND tỉnh Gia Lai cho thấy, toàn tỉnh đã chuyển đổi 5.458,16 ha cây trồng kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 255.668,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO; có 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.668,7 ha và 38 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.500 - 1.700 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…. Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tổng sản phẩm ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng 4,26% so với cùng kỳ.

Theo kế hoạch được UBND tỉnh Gia Lai ban hành tại Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 23/2/2024, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2024 của tỉnh khoảng 545,67 ha. Trong đó: Chuyển sang trồng cây hàng năm khoảng 518,17 ha, chuyển sang trồng cây lâu năm khoảng 27,50 ha.

Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2022, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 41.582,25 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Theo đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai, các mô hình, đối tượng cây trồng chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp từ 2 đến 5 lần so với trước khi thực hiện chuyển đổi.

Kế hoạch bài bản, lộ trình rõ ràng

giam-ngheo-gia-lai-2.jpg
Việc chuyển đổi mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê tại Gia Lai mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ngày 14/3/2023, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 111/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là quyết định quan trọng, giúp tỉnh Gia Lai tổ chức lại hoạt động trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu tổng quát của Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh Gia Lai là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất; nâng cao thu nhập; tạo thêm việc làm; góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu thực hiện chuyển đổi khoảng 58.560 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác và dành quỹ đất phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo... Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi khoảng 17.000 ha cây trồng kém hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 250 triệu đồng.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được đưa vào sản xuất, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Trong đó, các loại cây trồng thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh dây, cây dược liệu… đã phát huy giá trị kinh tế, góp phần nâng cao tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong tổng sản phẩm tỉnh Gia Lai.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, việc thực hiện Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài hiệu quả kinh tế thì còn hướng tới hiệu quả xã hội, đó là góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm ngành nghề và việc làm mới, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo; đồng thời, tạo diện mạo và bản sắc mới cho nông thôn Gia Lai với các cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Trước mắt, hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang góp phần thực hiện chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo năm 2024 của tỉnh Gia Lai: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) 6,11%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 3%, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đối với huyện nghèo Kông Chro giảm 5,5%.

Trần Thọ