Môi trường

Ý tưởng xanh – Đảo không rác

Doãn Xuân 24/07/2024 - 14:30

Rác trên đảo rất ít, rác chủ yếu từ các tàu thuyền và “di cư” từ đại dương sau nhiều đợt sóng vỗ. Rác lên đảo từ đó! Trước thực trạng trên, quân và dân trên các điểm đảo ở huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã có ý tưởng thu gom và phân loại rác thải để đưa vào đất liền tái chế.

Tôi có dịp đi công tác huyện đảo Trường Sa cùng Đoàn Công tác số 23 vào tháng 5/2024, cảm xúc thật thiêng liêng nơi trùng khơi, biển biếc, sự thán phục đến tự hào về quân và dân trên huyện đảo đang hằng ngày đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, khó khăn, thách thức để canh giữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc được bình yên. Ngoài ra, tôi còn được tận mắt nhìn thấy môi trường trên các đảo, nhà giàn thật xanh trong, quy cũ và nền nếp.

_mg_7255.jpg
Đảo Trường Sa Lớn xanh trong và thảm thực vật như khu rừng nhỏ nhô lên giữa đại dương bao la

Được biết, lượng chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động, sinh hoạt tại chỗ của quân và dân trên huyện đảo Trường Sa bình quân từ 100-150 kg/ngày, ngoài ra còn lượng đáng kể rác thải rắn dạt từ biển vào. Đứng trước thách thức về rác thải trên các đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã giao cho Trung tâm Chuyển giao công nghệ mới nghiên cứu, chế tạo, đưa vào sử dụng máy ép rác thủy lực.

Đến nay, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã phối hợp với Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho sử dụng rộng rãi máy ép rác thủy lực trên nhiều điểm đảo, đã mang lại hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện môi trường biển, đảo khắc nghiệt.

anh-rac-phan-thanh-xuan.png
Các chiến sĩ đưa rác thải vào máy ép thủy lực - Ảnh Phan Xuân
phan-thanh-xuan.jpg
Rác thải sau khi ép thủy lực sẽ được vận chuyển vào bờ để xử lý - Ảnh Phan Xuân

Chị Phạm Thị Bảy, Hội trưởng Hội phụ nữ Thị trấn Trường Sa, cho biết: Ngoài việc nhà, các chị còn tham gia thu dọn rác thải nhựa trôi dạt vào đảo, chăm lo vệ sinh môi trường trên đảo như quét dọn, tạo cảnh quan cây xanh. Chị Bảy chia sẻ thêm: Mỗi đợt biển động hoặc sau mỗi cơn bão không biết rác thải từ đâu dạt vào đảo rất nhiều, chủ yếu là rác thải nhựa, mảnh gỗ, phao xốp… quân và dân trên đảo lại ra quân thu dọn và tập hợp đưa về khu quy hoạch rác thải để phân loại, chủ yếu rác thải nhựa và lon nước các loại sẽ được đưa vào máy ép thủy lực thành khối và đợi có tàu ra đảo sẽ đưa vào đất liền tái chế.

Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó trưởng Đoàn công tác số 23, lần đầu ra với quần đảo Trường Sa, cho biết: Tôi thực sự bất ngờ về công tác bảo vệ môi trường trên các đảo, quân và dân phân loại rác rất bài bản, thi thoảng lại gặp thùng rác được ghi: Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường, ngôi nhà được chiến sĩ ngăn làm 2 ngăn, một bên rác vô cơ, một bên là rác hữu cơ. Không chỉ thế, môi trường trên đảo rất sạch – đẹp, một số đảo không khác khu rừng xanh thu nhỏ, như: Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông và Trường Sa Lớn.

_mg_7047.jpg
"Nhà rác" trên các điểm đảo ở huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa

Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) đến năm 2030. Đến ngày 21/8/2020, Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Nhà báo Vũ Quang, Báo Pháp Luật Việt Nam, lần đầu ra Trường Sa cho biết: Nếu nói về ý tưởng xanh hay việc phân loại rác thải tại nguồn đang được nhiều địa phương trong đất liền triển khai thì ngoài đảo xa, quân và dân đang đi đầu về việc này. Tôi đi tới điểm đảo nào cũng thấy thùng rác hai ngăn, một bên đựng rác vô cơ và một bên là rác hữu cơ, điều đặc biệt xung quanh đảo và trên đảo gần như tôi không nhìn thấy rác thải, cho dù chỉ là một vỏ chai nhựa, hay thanh gỗ… nói chung trên đảo các chiến sĩ và người dân rất ngăn nắp, sạch sẽ và ý thức bảo vệ môi trường rất cao.

Chiến sĩ Châu Gia Kiệt, làm nghĩa vụ trên đảo Sinh Tồn Đông tâm sự: Ngoài nhiệm vụ canh giữ biển đảo thiêng liêng, hàng ngày chúng em đều tham gia dọn dẹp vệ sinh trên đảo, thu gom rác thải nhựa, rác thải rắn để phân loại và đưa đến điểm tập kết xử lý theo quy định. Chiến sĩ Kiệt chia sẻ thêm: Chúng em còn tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi gà, vịt, lợn và cắt tỉa cây xanh trên đảo, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thủ trưởng giao.

1.jpg
Tác giả trò chuyện cùng các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông

Đảo nổi, đảo chìm không có rác thải nhựa, mô hình phân loại rác được quân và dân trên đảo rất quan tâm và thực hiện bài bản, nhờ đó đảo luôn xanh – sạch – đẹp. Đảo là vậy, khi lần đầu đặt chân lên Nhà gian DKI/12 tôi thực sự ngạc nhiên với cảnh quan, môi trường trên nhà giàn. Các chiến sĩ phân khu chăn nuôi lợn với khu trồng rau xanh trên nhà giàn rất khoa học, ngăn nắp và sạch sẽ. Chúng tôi không hề thấy mùi hôi từ khu chăn nuôi bốc ra, tôi quay sang hỏi một chiến sĩ đi cùng, thế gió lên thì mùi hôi từ khu chăn nuôi lợn có ảnh hưởng đến nơi nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ không? Không anh, lợn ở đây được chiến sĩ thay nhau tắm cho suốt ngày, nói chung một ngày có vài lần tắm, chúng em thiếu nước ngọt để tắm chứ lợn không thiếu nước mặn để tắm anh ạ (cười), cả đoàn chúng tôi cười vang.

hie_7453.jpg
Các điểm đảo nổi, đảo chìm gần như không có rác thải, biển luôn trong xanh là nhờ tinh thần và trách nhiệm của quân và dân trên đảo, họ luôn nêu cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ biển đảo quê hương

Tâm sự về vấn đề môi trường trên đảo, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Tôi lần thứ 2 ra đảo Trường Sa, lần này ra tôi rất ấn tượng với cảnh quan của các đảo, cây xanh cũng phát triển tươi tốt hơn, nhiều hơn và đặc biệt việc phân loại rác thải các chiến sĩ thực hiện rất tốt. Ở trên đảo, việc phân loại rác thải rất quan trọng, hiện nay các đảo, quân và dân đang làm tốt và đồng bộ nên việc xử lý và chuyển vào đất liền tái chế thuận lợi hơn.

Ông Lý chia sẻ thêm: Hiện nay, nhu cầu về cây xanh của các đảo là rất lớn, đây là hành động thiết thực hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động, tôi nghĩ rằng Trường Sa sẽ càng xanh - sạch - đẹp hơn nữa thông qua việc chúng ta tiếp tục trồng cây cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, tổ chức tốt việc thu gom và phân loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên các điểm đảo hiện nay.

Ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Đề án dựa trên quan điểm thực hiện chủ trương, đường lối và định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả.

Doãn Xuân