Môi trường

Phù Yên (Sơn La): Tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại

Nguyễn Nga 23/07/2024 - 19:36

(TN&MT) UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 1017/UBND-TNMT, về việc tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn huyện.

Thời gian gần đây, một số loài ngoại lai xâm hại xuất hiện trên địa bàn tỉnh, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới đa dạng sinh học, môi trường, kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; nguy cơ nhập khẩu trái phép, nuôi trồng, phát tán loài ngoại lai xâm hại tại tỉnh Sơn La.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ về nguy cơ gây hại của việc nhập lậu, nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại. Tại một số địa phương, vấn đề kiểm soát loài ngoại lai chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chủ động, khi phát sinh vụ việc mới triển khai xử lý; thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng để kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

p1150657.jpg
UBND huyện Phù Yên giao các địa phương tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để kịp thời ngăn ngừa, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, Chủ tịch UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn trong thời gian tới. Kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định pháp luật về kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc không nhập khẩu, kinh doanh, nuôi trồng, phát triển, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại. Chủ động theo dõi, nắm bắt, báo cáo kịp thời khi phát hiện có sự bùng phát, lây lan của loài ngoại lai xâm hại để tổ chức cô lập, diệt trừ ngay khi phát hiện hoặc có sự bùng phát, lây lan.

Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi cây trồng để các cơ sở không sản xuất, kinh doanh loài ngoại lai xâm hại.

Kiểm tra, giám sát với các cơ sở kinh doanh, buôn bán, sản xuất giống vật nuôi cây trồng có dấu hiệu kinh doanh, buôn bán, sản xuất loài ngoại lai xâm hại. Hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn trong thời gian tới. Tổ chức điều tra, đánh giá các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và thực hiện các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại, gồm: Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata); Ốc sên Châu Phi (Achatina fulica); Cỏ lào (Chromolaena odorata);

Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha); Trinh nữ thân gỗ (Mimosa pigra); Cỏ lào đỏ (Ageratina adenophora); Cây ngũ sắc (bông ổi); (Lantana camara); Bọ cánh cứng hại lá dừa (Brontispa longissima); Cá ăn muỗi (Gambusia affinis); Cá tỳ bà lớn (Pterygoplichthys pardalis); Bèo tây (Eichhornia crassipes).

Chủ động theo dõi, nắm bắt, báo cáo kịp thời khi phát hiện có sự bùng phát, lây lan của loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn để tổ chức cô lập, diệt trừ ngay khi phát hiện hoặc có sự bùng phát, lây lan của loài ngoại lai xâm hại.

Nhất là với 4 loài xâm hại nguy hiểm gồm: Nấm gây bệnh thối rễ (Phytophthora cinnamomi); Vi khuẩn gây bệnh dịch hạch ở chuột và động vật (Yersinia pestis); Vi-rút gây bệnh chùn ngọn chuối (Banana bunchy top virus); Vi-rút gây bệnh cúm gia cầm (Avian influenza virus).

Nguyễn Nga