Khoáng sản

Rốt ráo gỡ vướng vật liệu cho các dự án trọng điểm phía Nam

Mai Đan 23/07/2024 - 14:01

(TN&MT) - Khan hiếm vật liệu đất san lấp đang là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án trọng điểm phía Nam chưa đạt được tiến độ thi công như kỳ vọng. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang rốt ráo tìm giải pháp gỡ vướng.

Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi họp giải quyết vướng mắc cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Theo đó, các Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án.

11a.jpg
Thi công cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau

Các bộ, địa phương phải đưa ra cách làm rõ ràng, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc để cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ đắp nền đường (cát) cho các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì Tổ công tác để bám sát tình hình triển khai hoạt động cấp phép khai thác mỏ ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng để hỗ trợ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và các địa phương triển khai áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định để rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ cát nhưng phải tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục như đánh giá trữ lượng, quan trắc môi trường trong quá trình khai thác.

Các địa phương thiếu nguồn vật liệu xây dựng, các chủ đầu tư, doanh nghiệp chủ động làm việc với các địa phương, nhập khẩu vật liệu xây dựng, có phương án khi phê duyệt dự án đầu tư; các địa phương trên tinh thần hợp tác, chỉ đạo việc hỗ trợ cung cấp vật liệu xây dựng cho các địa phương thiếu vật liệu xây dựng, không để tình trạng cắt cứ đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng.

Trước đó, tại buổi làm việc về kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ giải quyết vướng mắc về vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực các tỉnh phía Nam do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, tỉnh tiếp tục giao các doanh nghiệp trước đây đã được cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác mỏ cát để cấp phép khai thác trở lại; điều chỉnh quy hoạch để nâng công suất cấp phép khai thác cát sông giai đoạn 2021 - 2030 từ 4,5 triệu m3/năm lên 9 triệu m3/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh báo cáo Phó Thủ tướng về phương án cung ứng 2 triệu m3 cát san lấp từ các mỏ cát đã đấu giá quyền khai thác để cung cấp cho dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với các dự án cao tốc còn lại, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức làm việc cụ thể với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư để thống nhất thủ tục cấp mỏ cát theo cơ chế đặc thù, bảo đảm đủ chỉ tiêu được giao.

Báo cáo tiến độ thực hiện điều chuyển cát từ các mỏ của tỉnh An Giang đã cấp cho Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu khẩn trương cung cấp đầy đủ hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục điều chuyển; đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa tại khu vực khai thác mỏ cát, công bố khu vực nạo vét các tuyến đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long khẳng định bảo đảm đúng kế hoạch cung cấp cát cho dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và triển khai các thủ tục để cấp đủ trữ lượng cho dự án Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Hoạt động khai thác cát biển ở tỉnh Sóc Trăng phục vụ mở rộng thí điểm thi công trên dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông bước đầu cho kết quả tích cực.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, theo kế hoạch đã thống nhất với các địa phương, việc cung cấp cát cho dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bảo đảm đúng tiến độ, không làm tăng tổng vốn đầu tư dự án.

Về đề xuất sử dụng 3,8 triệu m3 tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) làm vật liệu thay thế cát dùng trong san lấp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện thí điểm đối với dự án đường giao thông của địa phương, hoặc đường cao tốc, có sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng để đánh giá toàn bộ các tiêu chí theo quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và phương hướng triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngành tài nguyên và môi trường diễn ra ngày 17/7, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương khẳng định, nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh có thể cung cấp cho các dự án trọng điểm quốc gia đi qua tỉnh Bình Dương.

Theo đó, trên cơ sở khối lượng từng loại khoáng sản được phân bổ, tỉnh đã mời các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến làm việc và để các doanh nghiệp tự đăng ký cung ứng khối lượng khoáng sản theo công suất được cấp phép và khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Kết quả có 6 doanh nghiệp khai thác cát đăng ký cung ứng 540.000m3; 7 doanh nghiệp khai thác đá đăng ký cung ứng 1.830.000m3 đá và 1.400.000m3 đất san lấp lấy từ tầng phủ các mỏ đá.

Trên cơ sở các doanh nghiệp đăng ký, tỉnh đã mời các Ban quản lý xây dựng và đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế tiến hành khảo sát vị trí, lấy mẫu từng mỏ, từng loại khoáng sản để xác định chất lượng khoáng sản, qua đó quyết định sử dụng khoáng sản tại những mỏ nào để định hướng cho các nhà thầu xây dựng khi triển khai thi công.

Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ, xử lý vướng mắc, đáp ứng nguồn cung vật liệu, các dự án giao thông trọng điểm tại nhiều địa phương phía Nam sẽ được triển khai đúng tiến độ.

Mai Đan