Phát triển Xanh

Kỳ vọng kết nối xanh trên những nẻo đường Việt Nam: Những "cây xanh di động"

Việt Hải 23/07/2024 - 11:23

(TN&MT) - Dần càng đông những người chuộng phương tiện giao thông công cộng, giao thông xanh. Những chủ thể này đang góp phần nhân lên những "cây xanh di động"...

Không còn chần chừ gì nữa, giao thông xanh đang là tương lai rất gần trong mục tiêu ghìm tốc độ biến đổi khí hậu của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong một công bố mới đây, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, vượt xa các giới hạn then chốt, Trái Đất có nguy cơ tăng thêm 2,9 độ C trong thế kỷ này. Chiến dịch kêu gọi "những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia" đã gọi tên giao thông xanh - đây được xem là một trong những giải pháp bền vững với hiệu quả đột phá.

hop-tac-trong-nganh-hang-khong-de-giam-phat-thai.-anh-minh-hoa.png
Giao thông xanh là tương lai rất gần. Ảnh minh họa.

Tại Tọa đàm "Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh" - sự kiện điểm nhấn trong chuỗi hội thảo "Khoa học vì cuộc sống" diễn ra ngay sau Hội nghị COP27, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới tự tin khẳng định: Tốc độ đổi mới của công nghệ sẽ biến tương lai giao thông xanh trở thành hiện thực trong vòng 5 - 10 năm tới. Sự phát triển của xe điện, pin lithium và các nguồn năng lượng thay thế khác đã cho phép tạo ra các phương tiện di chuyển xanh thay thế cho phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nền tảng giao thông mới được hỗ trợ bởi công nghệ số - một tương lai về sự đổi mới của các phương tiện giao thông rất đáng mong chờ.

Khẳng định này đồng thời đặt ra những thách thức rất lớn đối với các quốc gia và Việt Nam, bởi bên cạnh thách thức về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thì bài toán hậu bùng nổ công nghệ cũng đồng thời tạo mối nguy cho môi trường. Các câu hỏi được đặt ra như: “Liệu các trạm sạc có theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hay không? Có đáp ứng được công nghệ mới không, công suất pin có đủ lớn không? Liệu có thể chế tạo loại pin mới tích hợp với xe điện để đi được hơn 100.000 dặm hay không? Giải quyết gánh nặng tái chế thế nào? Trách nhiệm đóng góp của các quốc gia trong mâu thuẫn vừa tạo ra công nghệ xanh vừa đồng thời tạo gánh nặng từ hậu công nghệ sẽ ra sao? Những câu hỏi này đặt ra yêu cầu bài toán giao thông phải được giải quyết ở tầm vĩ mô chứ không chỉ dừng ở vấn đề hạ tầng hay công nghệ!

nguoi-dan-hue-thu-nghiem-mo-hinh-xe-dap-thong-minh.png
Người dân Huế thử nghiệm mô hình xe đạp thông minh

Tuy nhiên, bên cạnh cam kết và những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ban, ngành, địa phương trong mục tiêu xanh hóa giao thông, không thể không lạc quan khi tại Việt Nam, dần càng đông những người chuộng phương tiện giao thông công cộng, giao thông xanh. Họ có thể là những người vì tuổi tác khiến không còn tự tin khi tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân nên đã chuyển sang phương tiện công cộng. Nhưng trong số đó, không phải ai cũng thuộc diện có tuổi. Bằng chứng là khá nhiều người trẻ chọn giao thông xanh như một cách khẳng định trách nhiệm với môi trường mà tàu điện trên cao là một điển hình. Điều này cũng đồng thời hình thành một bộ phận người tiêu dùng thông minh bởi mức giá phù hợp và tốc độ di chuyển của tàu điện trên cao như hiện nay là điều lý tưởng.

Như vậy, trong hành trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải đối với ngành giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều mảnh ghép "xanh" đang được triển khai như mô hình xe đạp công cộng, xe buýt điện, tàu điện... Một số tuyến phố lớn đã có làn đường dành riêng cho xe đạp như Hà Nội, TP.HCM, gần đây nhất là Huế. Xu hướng đi bộ cũng đang bắt đầu hình thành ở một bộ phận công chức văn phòng. Đi bộ ở đây không phải tên gọi của một hoạt động thể thao, mà là cách lựa chọn di chuyển bộ thay bằng phương tiện. Dù mới manh nha hình thành trào lưu nhưng với phương châm “góp cây thành rừng”, những chủ thể này đang góp phần nhân lên những "cây xanh" di động khiến mục tiêu về một nền giao thông xanh kỳ vọng sẽ sớm hình thành.

Sử dụng xe đạp gấp hoặc đi bộ đến ga tàu điện trên cao là cách mà một bộ phận dân công sở lựa chọn

Điều mà các nhà quản lý cũng đang rất quan tâm đó là những giải pháp quyết liệt từ các địa phương. “Cứ vào Cần Giờ phải là phương tiện giao thông xanh, được không?” là câu hỏi được TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức), đại diện nhóm nghiên cứu đề án phát triển giao thông xanh Cần Giờ đặt ra tại hội thảo giải pháp phát triển giao thông xanh huyện Cần Giờ. Thực ra trong câu hỏi đã có câu trả lời, chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Nếu Cần Giờ làm được, liệu các địa phương khác có làm được hay không?

Việt Hải