Cảnh báo lũ quét, sạt lở: Cần triển khai đồng bộ các biện pháp
(TN&MT) - Trong bối cảnh mùa mưa lũ đang trong giai đoạn cao điểm, các tỉnh vùng núi cao, trung du đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp, đồng thời lên phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Nhiều chuyên gia địa chất, môi trường cũng đã đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cũng như phòng chống, ứng phó với loại hình thiên tai nguy hiểm này.
Nhiều địa phương công bố tình huống thiên tai khẩn cấp
Chỉ trong tháng 7, nhiều địa phương miền núi và trung du đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp, trong đó có Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lai Châu, Lâm Đồng...
Ngày 16/7, UBND tỉnh Tuyên Quang đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó với tình hình lũ quét, sạt lở đất tại khu dân cư tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình). Tại núi Pù Húc, tổ dân phố Nà Khà, các đợt mưa lớn kéo dài trong thời gian vừa qua đã hình thành các vệt lũ quét và các điểm sạt lở đất. Các khối đất, đá vẫn tiếp tục trượt, sạt và có nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của 10 hộ dân (42 nhân khẩu) đang sinh sống tiếp giáp phía dưới chân núi.
Đáng chú ý, tại tỉnh Bắc Kạn, chỉ trong nửa đầu tháng 7, tỉnh này đã phải 3 lần công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Cụ thể, ngày 15/7, UBND tỉnh này cũng đã ban hành Quyết định số 1223 công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại Tổ nhân dân Hát Deng (thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì). Trong đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở đất gây ra.
Đối với UBND huyện Na Rì, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo sử dụng nguồn kinh phí của địa phương và tổ chức thực hiện xử lý bước đầu bảo đảm an toàn; có phương án bảo đảm an toàn cho người dân, phương tiện đi lại và cơ sở hạ tầng; cử người canh gác tại khu vực sạt lở (nếu cần thiết), cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân, tổ chức biết phòng tránh; tổ chức di dời các hộ dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ, tình huống sạt lở nguy hiểm.
Trước đó, ngày 1/7, UBND tỉnh Bắc Kạn đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại trụ sở Công an xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn). Ngày 12/7, UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực sạt lở tại trụ sở Công an huyện Ba Bể (huyện Ba Bể).
Tại tỉnh Lai Châu, ngày 17/7, Sở Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên các tuyến quốc lộ do mưa lũ gây thiệt hại nặng nề kết cấu hạ tầng giao thông. Vào cuối giờ sáng 17/7, trên Quốc lộ 4H đã xảy ra sạt lở taluy dương tại km 319+710, đoạn qua địa bàn xã Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn, khiến 5.000m3 đất sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lai Châu Nguyễn Văn Hưởng cho biết, một số vị trí sạt lở taluy âm vẫn còn có nguy cơ tiếp tục xói lở gây đứt đường, cung sụt ta luy dương tiếp tục phát triển có nguy cơ sạt lở, vùi lấp người và phương tiện tham gia giao thông bất cứ lúc nào.
Ngày 21/7, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công điện về việc chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trước tình hình diễn biến thời tiết mưa nhiều diễn ra liên tục trong thời gian vừa qua, một số tuyến đường trên địa bàn đã xảy ra tình trạng sạt lở đất làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân, nhất là trên địa bàn huyện Đam Rông, vào khoảng 16h ngày 20/7 mưa lớn tiếp tục gây sạt lở làm sập 1 ngôi nhà tại xã Đạ K’Nàng làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng.
UBND tỉnh cũng cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 200 vị trí có nguy cơ sạt lở. Trong đó, riêng thành phố Bảo Lộc có tới 144 điểm nguy cơ sụt lún cao và ngập lụt khi xảy ra mưa lớn. Cơ quan chức năng thành phố Bảo Lộc cho biết, khu vực nguy cơ sạt lở tập trung tại các phường 1, Lộc Sơn, các xã Lộc Nga, Lộc Châu, ĐamB’ri. Tại thành phố Đà Lạt, hiện 61 công trình có nguy cơ sạt trượt, nghiêng lún và mất an toàn.
Đề xuất phương án nâng cao hiệu quả cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Ngay từ cuối tháng 6, Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” nhằm tập trung xây dựng hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro tỷ lệ lớn đồng bộ, tổng thể, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin cảnh báo với cộng đồng dân cư.
Đồng thời, Cục Địa chất Việt Nam sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thực địa, thu thập thông tin về sạt lở đất, lũ quét; thông tin cơ sở hạ tầng, dân sinh, kinh tế; thông tin về đặc điểm địa chất - khí tượng thủy văn phục vụ tính toán lập bản đồ phân vùng tính dễ bị tổn thương; tiến hành lập bản đồ hiện trạng sạt lở đất, lũ quét, bộ bản đồ thành phần địa chất, thủy văn cho 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.
Để thực hiện Kế hoạch này, Cục sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; chủ động liên hệ, tiếp nhận, chia sẻ các tài liệu, kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề án, dự án, đề tài có liên quan, thông tin hiện trạng sạt lở đất, lũ quét từ các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo kế thừa, tiết kiệm, hiệu quả.
Trước thực tế thiên tai ngày càng dồn dập, lũ quét, sạt lở đất ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, việc đầu tư hiện đại hóa mạng lưới quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai là rất cấp thiết. Bên cạnh đó, cán bộ, chính quyền sở tại cần nâng cao ý thức và trách nhiệm, bởi nếu lơ là thì công nghệ có hiện đại thế nào đi chăng nữa, tai nạn cũng sẽ xảy ra.
Điều này đã được TS.Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường.
Theo ông, việc nghiên cứu, lắp đặt các trang thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm tai biến về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai và nghiên cứu kết nối dữ liệu về các trạm cảnh báo sớm trung tâm, địa phương cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư. Việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo nội địa hóa các thiết bị cảm biến cảnh báo về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét thích ứng với điều kiện Việt Nam với giá thành sản xuất, bảo trì, bảo dưỡng hợp lý cũng cần được đẩy mạnh.
Ông cũng đề cập đến việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu chuyển giao công nghệ chế tạo, thiết kế các trang thiết bị của các trạm cảnh báo sớm phù hợp với điều kiện Việt Nam.
PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cũng nêu giải pháp nhằm tăng cường cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, trong đó ông khẳng định vai trò quan trọng của tính chủ động. Theo ông, động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực nguy cơ. Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, khi đó cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp.