Tài nguyên

Mở rộng cảnh quan các điểm trong tuyến Công viên địa chất Lạng Sơn

Lan Chi 21/07/2024 - 09:47

(TN&MT) - Đó là một trong những mục tiêu của chuyến khảo sát hiện trạng, chuẩn bị điều kiện thiết kế phối cảnh, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm trên tuyến số 2, số 3 thuộc Công viên địa chất Lạng Sơn do Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn vừa tổ chức.

Theo đó, chuyến khảo sát nhằm tiếp tục hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, mở rộng cảnh quan các điểm trong tuyến Công viên địa chất để phát huy hơn nữa giá trị của các điểm, tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn khi đến tham quan Công viên địa chất Lạng Sơn trong thời gian tới.

z5642890024316_d570270dee8864e17b979f186c7a7205.jpg
Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn vừa tổ chức Đoàn khảo sát hiện trạng, chuẩn bị điều kiện thiết kế phối cảnh, kiến tạo cảnh quan tại một số điểm thuộc Công viên địa chất Lạng Sơn

Trong chương trình, đoàn đã khảo sát tại các điểm: Trường Mầm non xã Bắc Thuỷ, huyện Chi Lăng; các nhà trình tường trong thôn Phố Cũ, chợ Vạn Linh, hộ nghệ nhân gìn giữ di sản then tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng; nhà thờ họ Hà Thổ Ty tại thôn Bản Dạ, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan; các nhà sàn trong thôn Nà Vước, xã Tân Văn, huyện Bình Gia…

Tại các điểm đến, đoàn khảo sát đã đánh giá về điều kiện cơ sở vật chất, đồng thời xây dựng ý tưởng, vận động các hộ dân ủng hộ, tham gia vào việc kiến tạo Phòng trưng bày hoá thạch Cúc Đá; không gian trải nghiệm làm cao khô, ẩm thực, trình diễn hát dân ca, bày bán sản phẩm đặc trưng của địa phương, xây dựng “vệ tinh” xung quanh các điểm thuộc Công viên địa chất…

z5642891019790_ce59ca448b9a89de116965acb07c16b1.jpg
Tại các điểm đến, đoàn khảo sát đã đánh giá về điều kiện cơ sở vật chất

Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn gần đây, đoàn chuyên gia của UNESCO khuyến nghị Công viên địa chất Lạng Sơn cùng các Công viên địa chất ở khu vực phía Bắc của Việt Nam cần hỗ trợ, bổ sung cho nhau để cùng phát triển.

Ông Tuncer Demir - chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO cho biết: “Nội dung cần phải đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới là hoạt động truyền thông, quảng bá. Quảng bá cho du khách trong và ngoài nước để mọi người biết rõ hơn về các giá trị văn hóa địa chất, cảnh quan của Công viên địa chất Lạng Sơn. Việc quảng bá cũng giúp cho cộng đồng có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đặc sắc mà họ đang nắm giữ”.

Tiếp thu những khuyến nghị của đoàn chuyên gia, tỉnh Lạng Sơn cam kết tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho Công viên địa chất đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Lạng Sơn cũng sẽ khai thác, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, lâu đời để phát triển, xây dựng Công viên địa chất mang bản sắc riêng...

Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021 và hiện phạm vi ranh giới đã bao phủ 8/11 huyện, thành phố; diện tích gần 4.900 km2, dân số khoảng 627.000 người (chiếm 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Công viên địa chất Lạng Sơn có những giá trị đa dạng, khác biệt về địa chất và cảnh quan thiên nhiên, được tạo thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu là kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và karst…

Tỉnh Lạng Sơn bước đầu đã xây dựng 4 tuyến với 38 điểm du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn với các hành trình "Khám phá thế giới thượng ngàn", "Hành trình về miền thiên giới", "Cuộc sống dân dã nơi trần thế", "Đường đến thủy cung"...

Lan Chi