Doanh nghiệp - doanh nhân

Nhà trường và doanh nghiệp “bắt tay” tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Đàm Trung 20/07/2024 - 14:56

Hiện nay, liên kết, hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu thế tất yếu, có tính khả thi cao trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu thế tất yếu

Trong giai đoạn hiện nay, một trong những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực đó là nâng cao hiệu quả cơ chế gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, việc liên kết, hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là nhu cầu khách quan, xuất phát từ lợi ích của cả hai phía.

img-8027-2041.jpg
Thạc sĩ Chu Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực

Thạc sĩ Chu Văn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp, Trường Đại học Điện lực cho biết, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một xu thế tất yếu, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đó cũng là xu hướng mà bất kỳ trường đại học nào hiện nay đang dần chú trọng và quan tâm đến. Mối quan hệ liên kết này được thể hiện sâu rộng ở nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp.

Về phía các trường đại học, lợi ích mà doanh nghiệp đem đến cho cơ sở đào tạo là góp phần tạo dựng môi trường học tập tốt, chương trình đào tạo tiên tiến, người học có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Ngược lại, về phía các doanh nghiệp, khi tham gia hợp tác với trường đại học, cơ sở đó tuyển dụng được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao và đảm bảo đáp ứng được ngay nhu cầu công việc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể phối hợp với các chuyên gia khoa học, nhà nghiên cứu của trường trong những hoạt động hợp tác như cùng trao đổi, nghiên cứu, đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn đang gặp phải, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

nam07303-9905.jpg
Năm 2024, Trường Đại học Điện lực tổ chức Ngày hội việc làm kỹ sư Nhật Bản thu hút hơn 30 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản giúp hỗ trợ kết nối cho sinh viên đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp của nhà trường có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo

Hiện, Trường Đại học Điện lực đang hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Điều đó cho thấy mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp tại Trường Đại học Điện lực ngày càng được đẩy mạnh và triển khai thực hiện một cách chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác này được tạo dựng, lan tỏa qua nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa khác nhau như: Hội nghị kết nối đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học; Ngày hội việc làm thường niên;...

Đáng chú ý, vừa qua, nhà trường đã công bố quyết định thành lập Ban điều hành mạng lưới Doanh nghiệp và Ban điều hành mạng lưới Cựu sinh viên. Đây là mốc son quan trọng cho định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới, mong muốn việc hợp tác được rộng hơn, sâu hơn và lan tỏa nhiều hơn tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Mạng lưới Doanh nghiệp Trường Đại học Điện lực sẽ là nơi tập hợp, tạo sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động đào tạo, sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Nói về lợi ích chương trình ngày hội việc làm thường niên của Trường Đại học Điện lực, chị Lê Thị Hải Yến - tư vấn viên đại diện cho Công ty Cổ phần MSP International cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cao. Đồng thời, đối với các bạn sinh viên cũng là cơ hội khi dễ dàng tiếp cận các nơi tuyển dụng.

nam07391-9538.jpg
Nhiều tổ chức doanh nghiệp nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với trường đại học như “trách nhiệm xã hội” để đôi bên cùng thúc đẩy và phát triển dựa trên nguyên tắc chung

Đào tạo kép tạo đầu ra cho sinh viên

Thực tế, ngày càng nhiều tổ doanh nghiệp, công ty, đoàn thể nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với các trường đại học. Tuy nhiên, việc hợp tác này cũng gặp một số khó khăn, thách thức nhất định.

Theo Thạc sĩ Chu Văn Tuấn, thách thức lớn nhất của các trường đại học nước ta nói chung cũng như Trường Đại học Điện lực nói riêng là phải làm sao để xác định được mối liên kết hợp tác đảm bảo đôi bên đều có lợi. Nếu như chỉ dừng lại ở phía cơ sở đào tạo có lợi, thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy chưa đạt được hiệu quả trong hoạt động hợp tác này.

Doanh nghiệp phải ưu tiên tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiệm thu đánh giá cuối cùng dựa trên hiệu quả. Vì thế kế hoạch hợp tác cần phải được chuẩn bị hết cẩn thận, kỹ lưỡng và chu đáo.

Ngoài ra, trong quá trình các doanh nghiệp tham gia vào đào tạo ở một số mô-đun, những học phần liên quan chủ yếu đến thực tập, thực hành sẽ rất được quan tâm, hào hứng và nhiệt tình xây dựng. Tuy nhiên, ở một số học phần liên quan nhiều đến kiến thức lý thuyết, việc tham gia giảng dạy hay góp ý kiến xây dựng chương trình đào tạo sẽ ít được các doanh nghiệp sát sao hơn.

Để khắc phục vấn đề này, giải pháp mà các trường cần thực hiện là đẩy mạnh kết nối hơn nữa giữa nhà trường, doanh nghiệp và cựu sinh viên. Thậm chí, cơ sở đào tạo cũng nên tổ chức những hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp trong hệ thống mạng lưới với nhau, vừa để thúc đẩy thêm nhiều mối quan hệ, vừa làm gia tăng cơ hội hợp tác của hệ sinh thái doanh nghiệp trong tương lai.

Trên thực tế, Trường Đại học Điện lực đang kết nối hợp tác với rất nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản - một thị trường lao động chuyên nghiệp và đòi hỏi yêu cầu chất lượng cao.

Hằng năm, mỗi doanh nghiệp luôn đặt hàng nhà trường theo những tiêu chí riêng; sẵn sàng mở ra nhiều cơ hội để chào đón sinh viên tới tham quan, thực tập và làm việc.

Đặc biệt, Trường Đại học Điện lực đang triển khai mô hình vừa học vừa làm. Những bạn sinh viên năm ba, năm tư được trực tiếp tới các doanh nghiệp để tham gia thực tập và làm việc trong quá trình sản xuất và kinh doanh, đồng thời tổ chức doanh nghiệp đó cũng trả lương lao động cho người học.

Hoạt động này giúp cho sinh viên hình thành được kỹ năng nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, học hỏi tổ chức công việc, không còn bỡ ngỡ sau khi ra trường và có thể bắt nhịp ngay được môi trường làm việc chuyên nghiệp tại các doanh nghiệp.

Có thể nói, việc “bắt tay” giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo mang tính khả thi cao, giúp đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc, việc đổi mới tư duy về giáo dục nghề nghiệp là đầu tư phát triển mô hình kết hợp đào tạo và hướng nghiệp giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu hướng đào tạo thiết thực, kịp thời, hiệu quả cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đàm Trung