Doanh nghiệp - doanh nhân

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tích cực xanh hoá, tăng tỷ lệ nội địa

Mai Dung 20/07/2024 - 10:32

Xác định ô tô là ngành sản xuất quan trọng đóng góp và kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, Bộ Công Thương đang thực hiện nhiều chính sách, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hoá và hướng đến phát triển bền vững.

Khuyến khích doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ nội địa hoá

Hiện cả nước có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

1(4).jpg
Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa

Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa đến 300 chi tiết, trong khi cả chiếc xe cần có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Đáng nói, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao, mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như lốp không săm, vành bánh xe, bộ dây điện, ghế, ốp cửa, vỏ xe,… Trong khi những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ thống an toàn, hệ truyền động, hộp số, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn thì doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi cò thấp. Chúng ta đặt mục tiêu là 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, sau 6 năm thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg về công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu đạt 45% trở lên cho nhu cầu sản xuất nội địa, linh kiện xe máy đáp ứng được 85-90%, linh kiện sản xuất ôtô là 15-40% (tùy chủng loại xe); 40-60% máy nông nghiệp; dệt may, da giày là 40-45%. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp đạt thấp như công nghệ cao mới đáp ứng được 10%.

Thực tế hiện nay, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, với riêng dòng xe Innova Toyota Việt Nam đạt 37%. So với mục tiêu đề ra và các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, con số này thấp hơn rất nhiều.

Để tăng tỷ lệ nội hoá cho ngành ô tô, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp. Bộ sẽ tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô. Bên cạnh đó, tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Bảo vệ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa. Cơ quan nhà nước sẽ điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước.

2(1).jpg
THACO xây dựng Trung tâm Cơ khí với quy mô hàng đầu Việt Nam

Chuyển đổi mô hình sản xuất thân thiện với môi trường

Không chỉ dừng lại ở việc gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, ngày càng có nhiều doanh nghiệp cam kết chuyển đổi sang “công nghiệp xanh”, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và con người.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô nào cũng sẵn sàng đánh cược với vận mệnh của mình khi lựa chọn thay đổi phương thức sản xuất. Nếu thành công, doanh nghiệp đó sẽ toả sáng và vươn lên đầu ngành trong lĩnh vực của mình; ngược lại sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

THACO, doanh nghiệp đầu ngành về công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam đã thành công thành lập Công ty Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải (THACO INDUSTRIES), xây dựng Trung tâm Cơ khí với quy mô hàng đầu Việt Nam và Trung tâm R&D. THACO INDUSTRIES được kỳ vọng sẽ trở thành doanh nghiệp đi đầu và tạo cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đề cao bảo vệ môi trường. Đặc biệt, THACO INDUSTRIES thể hiện tính tiên phong, hướng đến các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hay câu chuyện của Tập đoàn NGK Spark Plug, sau hơn 87 năm từ ngày 1/4/2023 tập đoàn này đổi tên thành Tập đoàn Niterra. Công ty TNHH NGK Spark Plugs (Việt Nam) cũng chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Niterra Việt Nam và có thay đổi táo bạo về chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Thanh Kha, Giám đốc Công ty TNHH Niterra Việt Nam chia sẻ: “Tầm nhìn, sứ mệnh của chúng tôi là góp phần đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Cùng với đó là tạo ra nhiều giá trị mới cho khách hàng và thị trường Việt Nam. Do vậy, công ty sẽ chuyển đổi từng bước sang những sản phẩm thân thiện với môi trường gồm các sản phẩm liên quan đến công nghệ sinh học, chip điện tử (sử dụng trong cảm biến khí thải ô tô)”.

Tại nhà máy Niterra Việt Nam, toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất đã được xanh hóa. Công ty ưu tiên sử dụng năng lượng mặt trời để phục vụ hoạt động của nhà máy. Xung quanh nhà máy có hệ thống cây xanh, hồ nước tạo không khí trong lành. Toàn bộ khí CO2 sản sinh đều được xử lý một cách tối đa. Tất cả không gian, bài trí, robot, tự động hóa đều hướng đến triết lý chung là thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh, sạch.

Tín hiệu tích cực, hiện tại trong tổng số hàng linh kiện, phụ tùng ô tô mà các doanh nghiệp Việt Nam đã tự chủ, sản xuất được trong nước đa phần đều đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.

Mai Dung