Phụ nữ Hải Phòng - Bà chủ của "Ngôi nhà thân thiện với môi trường"
(TN&MT) - Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quán Trữ (quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) đang thực hiện nhiều mô hình hay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. “Ngôi nhà thân thiện với môi trường” là mô hình nổi bật được các Hội viên duy trì từ nhiều năm nay.
Thiết thực bảo vệ môi trường
Phường Quán Trữ có khoảng 2.560 hộ gia đình với hơn 9.600 nhân khẩu, số lượng rác thải trung bình khoảng 11,7 tấn/ngày. Thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 27/2/2024 của UBND quận Kiến An, phường Quán Trữ đã chủ động xây dựng kế hoạch phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, giao Hội Liên hiệp Phụ nữ phường làm nòng cốt chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, tổ dân phố chỉ đạo các Chi hội Phụ nữ triển khai thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn phường Quán Trữ đang có nhiều mô hình hay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường thực hiện, như: Mô hình “Toàn dân tham gia công tác vệ sinh môi trường”; Mô hình “ Ngôi nhà thân thiện với môi trường”; Mô hình “5 không 3 sạch”; Mô hình “5 có 3 sạch”…
“Ngôi nhà thân thiện với môi trường” được triển khai từ tháng 5/2019, là những ngôi nhà làm bằng khung thép dùng để chứa các loại rác thải có thể tái chế được như: chai nhựa, vỏ lon bia…
Để "Ngôi nhà thân thiện với môi trường" có rác, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quán Trữ đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác thải đúng cách ngay tại nhà riêng. Đối với rác thải hữu cơ, hội viên hướng dẫn người dân tận dụng làm phân bón cho cây trồng; Các loại rác không tái chế được thì thu gom đưa đến nơi tập kết tập trung.
Ngoài ra, người dân có thể trực tiếp mang rác tái chế đến mô hình “Ngôi nhà thân thiện với môi trường” thay vì tập kết tại một điểm để các hội viên đến thu gom. Sau mỗi đợt thu gom, chị em sẽ phân loại, bán lấy tiền mua gạo tặng cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường.
Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quán Trữ, thời gian đầu, chỉ có 15 thành viên nòng cốt tham gia, nhưng đến nay, mô hình đã có 45 thành viên nòng cốt, cùng với sự chung tay của nhiều người dân địa phương. Định kỳ mỗi tháng một lần, các thành viên sẽ tổng hợp, đánh giá hiệu quả của mô hình, đồng thời, lồng ghép các nội dung tập huấn, tuyên truyền, phổ biến về các tiêu chí của mô hình cho các hội viên mới.
Những tuyên truyền viên tích cực
Bà Cù Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quán Trữ chia sẻ: “Mô hình “Ngôi nhà thân thiện với môi trường” được đông đảo cán bộ, nhân dân trên địa bàn phường ủng hộ nhiệt tình. Mô hình này không chỉ góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng xanh sạch đẹp, hạn chế được tình trạng xả rác thải bừa bãi trong khu dân cư, mà còn tạo được nguồn quỹ để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, điển hình là việc sử dụng quỹ từ mô hình để mua gạo tặng gia đình anh Vũ Khắc Trường trong suốt 1 năm qua (anh Vũ Khắc Trường bị tàn tật, sống cùng mẹ già)”.
Trong quá trình thực hiện các mô hình nói chung và mô hình “Ngôi nhà thân thiện với môi trường” nói riêng, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quán Trữ đã được lãnh đạo Đảng ủy và UBND phường động viên, ghi nhận và đánh giá cao. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường sẽ tiếp tục phối hợp với UBND phường và các đoàn thể chính trị xã hội để tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn.
Có mặt tại mô hình “Ngôi nhà thân thiện với môi trường” ở khu vực chợ Đầm Triều và Nhà văn hóa tổ dân phố Trữ Khê, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường được chứng kiến chị em hội viên hăng say thực hiện công việc phân loại rác. Hội viên Hoàng Thị Nhường chia sẻ: “Tôi tham gia mô hình đã nhiều năm nay và rất thích thú với công việc này. Tôi gắn bó với mô hình với mong muốn đem lại những lợi ích đối với cộng đồng, trong đó, có môi trường và an sinh xã hội”.
Ông Đoàn Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND phường Quán Trữ cho biết: “Thời gian qua, phường đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai các mô hình trên địa bàn, trong đó, chú trọng mô hình bảo vệ môi trường. Phải thừa nhận rằng, các mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ phường triển khai đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn. Không chỉ trực tiếp thực hiện công việc mà Hội viên còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác và tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của mô hình đến với gia đình, họ hàng, người thân, qua đó lan tỏa sâu rộng hơn đến cộng đồng”.