Biến đổi khí hậu

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về ứng phó biến đổi khí hậu

Khánh Ly 19/07/2024 - 16:27

(TN&MT) - Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam là quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế. Nhiều chính sách, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xây dựng và triển khai thực hiện.

Đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và quốc tế

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, trong năm 2024, Bộ TN&MT đã hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 81-KL/TW.

Kết luận số 81-KL/TW đề ra nhiệm vụ phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của từng ngành, lĩnh vực; thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường các-bon; giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu đề xuất xây dựng Nghị quyết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận.

ct-tang-the-cuong.jpg
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Khương Trung

Theo ông Tăng Thế Cường, triển khai quy định ứng phó với biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình ban hành 3 Nghị định, trong đó có Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Bên cạnh đó còn có 5 Thông tư; 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 1 tiêu chuẩn quốc gia.

Bối cảnh diễn biến đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu và tình hình thực tiễn trong nước đã đặt ra những yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT.

Dự thảo Nghị định sửa đổi tập trung vào một số nội dung: Tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính; phát triển thị trường các-bon, sàn giao dịch các-bon; phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia thị trường các-bon; quản lý tín chỉ các-bon; trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế; quy định về bảo vệ tầng ô-dôn. Quá trình tham vấn, Bộ TN&MT đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, tổ chức, các địa phương. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định để hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 7/2024.

Cùng với hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ TN&MT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong đó, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ liên quan và các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 11/6/2024, trong đó đã tích hợp nội dung làm mát bền vững. Đây là bước triển khai thực hiện các quy định liên quan trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06 và lồng ghép triển khai nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia Liên minh làm mát toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024, dự kiến Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tuần này.

Tích cực triển khai các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các Hội nghị COP26, COP27, COP28.

Ông Tăng Thế Cường cho biết, kể từ sau Hội nghị COP26 đến nay, đã có nhiều chương trình, dự án theo hướng chuyển đổi xanh, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách của các Bộ, ngành đã và đang được hoàn thiện theo hướng này. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch Điện VIII và Chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành... Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

anh-2-du-an-dien-gio-hoa-binh-bac-lieu-.jpg
Các Bộ và doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác quốc tế về việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)

Bên cạnh đó, các Bộ và doanh nghiệp đã làm việc với các đối tác quốc tế về việc triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), và đề ra các dự án cần triển khai ngay. Có 18 dự án được các bên rà soát đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai được ngay, trong đó có 7 dự án cần ưu tiên trước mắt để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.

Ngoài ra, để ứng phó với các hàng rào kỹ thuật, thương mại của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon - CBAM), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu đánh giá tác động tổng thể đối với kinh tế - xã hội; Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án tổng thể về cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của Liên minh châu Âu (CBAM) đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trách nhiệm của địa phương

Trong thời gian tới, để chính sách đi vào cuộc sống cần có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành và đặc biệt là các địa phương. Theo ông Tăng Thế Cường, trước mắt, các địa phương cần triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, tích hợp làm mát bền vững, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và chống chịu với nắng nóng cực đoan trong các chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Quyết định thay thế Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật, trong đó có việc đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đồng thời, phối hợp triển khai các nhiệm vụ truyền thông về giảm phát thải khí nhà kính gắn với việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), về quản lý tín chỉ các-bon và thị trường các bon.

Các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan để triển khai thực hiện NDC theo Văn bản số 1454/BTNMT-BĐKH ngày 9/3/2023 của Bộ TN&MT; triển khai các dự án năng lượng tái tạo, các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng theo Tuyên bố JETP.

Thách thức lớn hiện nay, theo ông Tăng Thế Cường, đó là các địa phương hiện vẫn chưa có cán bộ chuyên trách về biến đổi khí hậu. Do đó, cần nghiên cứu, rà soát kiến nghị với Bộ giải pháp tăng cường bộ máy, nhân sự phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu để đưa vào nội dung dự thảo Nghị quyết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.

Khánh Ly