Xã hội

Pắc Nặm (Bắc Kạn): Sau các đợt mưa lũ, người dân thiệt hại nặng

Đức Hải - Thúy Hà 18/07/2024 - 16:58

(TN&MT) - Liên tiếp các đợt mưa lũ vừa qua khiến người dân huyện vùng cao Pắc Nặm (Bắc Kạn) bị thiệt hại nặng nề. Đường sá, ruộng nương, hệ thống thủy nông, thủy lợi bị hỏng, đời sống bà con vùng núi nghèo nay càng khổ thêm…

z5640633523439_9f722424f09b2d2f04e2d9715b596aa0.jpg
Sạt lở lấp ra đường liên xã, khiến giao thông bị tê liệt tại huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn)

Trao đổi với phóng viên, ông Ma Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Pắc Nặm cho biết: Các đợt mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương khiến nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở nghiêm trọng. Đến nay, xã vẫn chưa có kinh phí khắc phục.

Cụ thể, thiệt hại về người: 04 người (bị chết do sạt lở đất, đá); Thiệt hại về nhà ở: 135 ngôi nhà bị ảnh hưởng; Thiệt hại giáo dục: 06 trường chính, điểm trường; Thiệt hại nông lâm nghiệp: Diện tích lúa bị thiệt hại: 33,19 ha; Lương thực bị trôi và hư hỏng: 0,7 tấn; Hoa màu bị thiệt hại và ảnh hưởng: 126.16,84 ha; Diện tích cây hàng năm: 4,82; Diện tích cây ăn quả: 0,4 ha; Diện tích rừng: 8,48 ha; Cây lâu năm: 0,18 ha... 16 tuyến đường giao thông bị sạt lở; 2 công trình cấp nước sinh hoạt bị hỏng. Ước tính, tổng giá trị thiệt lên đến gần 10 tỷ đồng.

z5640639252938_4233ee1466717b64832f1bd0b88d1035.jpg
z5640639252940_3ad50772b3537a6df675b4e31e35ae18.jpg
z5640639230225_8240f02558b65bc2ea97f2c37b7ab085.jpg
Đất đá trôi vào nhà dân ở huyện Pắc Nặm.

Được biết, để chủ động phòng chống thiên tai và lũ bão năm 2024, ông Đào Duy Hưng, Chủ tịch UBND huyện Pắc Nặm đã ký quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 1/4/2024 về việc ban hành phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, chính quyền địa phương yêu cầu các cấp cơ sở và người dân cần phải chủ động ứng phó với thiên tai.

z5640634676339_9dbcfc348fe808c5b35bc6188a3614f7.jpg
Hệ thống thủy lợi bị sập gãy, người dân và các lực lượng đi sửa chữa.

Các tình huống giả định được đặt ra như có lốc, sét, mưa đá xảy ra cần tập trung thực hiện: Cấp cứu người bị thương (nếu có); Di chuyển người, tài sản tới nơi an toàn, không để người dân bị đói, rét, không có nhà ở; Bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; Chằng chống nhà cửa, các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm trên địa bàn toàn huyện.

Thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”(nhân lực, chỉ huy, vật tư, hậu cần); Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ tài sản Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai… Khi có mưa liên tục và lượng mưa đạt mức 75 mm trở lên thì nguy cơ sạt lở đất và ngập úng rất cao, do vậy cần có biện pháp di dân ngay tới vị trí an toàn….

z5644933409149_02b296b624dfd58e53efbb16d561b577.jpg
Đường vào thôn Khuổi Ổ, xã Nhạn Môn, huyện Pắc Nặm, Bắc Kạn bị chia cắt bởi sạt lở lấp đường đi lại của bà con.

Trao đổi với phóng viên, một người dân sinh sống ở thôn Khuổi Ổ, xã Nhạn Môn cho biết: Mong muốn duy nhất của bà con vùng núi là đi lại thuận tiện. Vừa rồi mưa lớn làm lở, sập đất xuống con đường liên thôn. Hiện nay chưa biết ngày nào sẽ thông lại đường, rất mong các ngành sớm san gạt, ủi đất cho người dân ổn định cuộc sống.

Đức Hải - Thúy Hà