Thế giới

Châu Phi biến thách thức thành cơ hội cho hành động vì khí hậu

Mai Đan 18/07/2024 - 14:06

(TN&MT) - Chương trình Phát triển Liên hợp quốc vừa công bố báo cáo mới, trong đó nhấn mạnh các cơ hội hành động vì khí hậu ở Châu Phi.

image1170x530cropped-34-.jpg
Các tấm pin mặt trời giúp cung cấp năng lượng cho một bệnh viện nông thôn ở Bulawayo, Zimbabwe. Ảnh: UNDP

Ngày 17/7, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố Báo cáo Cơ hội Khí hậu Đầu tư Châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh Tác động Châu Phi năm 2024 ở Nairobi, Kenya.

Báo cáo đề cập đến các cơ hội của khu vực tư nhân với tiềm năng kinh tế, xã hội và môi trường để phát triển bền vững ở Châu Phi, đồng thời đưa ra dữ liệu và xu hướng về đầu tư vào Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trên khắp lục địa.

Ông Maxwell Gomera, Giám đốc Trung tâm Tài chính Bền vững Châu Phi của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho biết: “Thông qua Báo cáo chuyên sâu về đầu tư tại Châu Phi của UNDP, chúng tôi biến những thách thức về khí hậu của Châu Phi thành cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân, theo tham vọng của chính lục địa này được nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)”.

Báo cáo đã nêu rõ các cơ hội đầu tư liên quan đến khí hậu bằng cách sử dụng thông tin chuyên sâu từ 16 Bản đồ Nhà đầu tư SDG Châu Phi. Cùng với cam kết về khí hậu của UNDP, báo cáo cho thấy khu vực tư nhân có thể hỗ trợ Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của các nước châu Phi theo Thỏa thuận Paris như thế nào.

Báo cáo nhấn mạnh rằng hành động vì khí hậu mang lại những cơ hội đáng kể cho khu vực tư nhân, với hơn một nửa cơ hội đầu tư vào SDG được xác định ở Châu Phi góp phần vào hành động vì khí hậu và NDC.

Ông Gomera cho biết UNDP đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào “hiện thực hóa các cơ hội cho hành động tích cực về khí hậu”.

Năm ngoái, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi lần thứ nhất với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng xanh và các giải pháp tài chính khí hậu cho châu Phi và thế giới” đã khai mạc tại thủ đô Nairobi, Kenya vào ngày 4/9. Hội nghị là cơ hội để châu Phi củng cố hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua các giải pháp tài chính khí hậu, đồng thời giới thiệu tiềm năng của châu lục, thiết lập các mối quan hệ đối tác mới trong tăng trưởng xanh, đưa châu Phi trở thành một lục địa dẫn đầu trong xử lý biến đổi khí hậu.

Châu Phi chỉ chiếm 4% lượng khí thải toàn cầu, nhưng khu vực này phải chịu một số tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Trung bình, các nước châu Phi phải trả số tiền vay nhiều gấp 4 lần so với Hoa Kỳ và gấp 8 lần so với các nước châu Âu giàu có nhất. Theo Liên hợp quốc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh công bằng và bình đẳng đồng thời hỗ trợ sự phát triển rộng rãi hơn trên khắp châu Phi đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh mạnh mẽ.

Mai Đan