Tài nguyên

Khánh Hòa: Công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040

Đỗ Vương 17/07/2024 - 17:15

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040 được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1647/QĐ-UBND ngày 24-6-2024. Khu vực quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Diên Khánh với tổng diện tích đất tự nhiên 34.380,3ha.

Theo đó, Đô thị Diên Khánh được xây dựng là trung tâm kinh tế đa ngành, có vai trò bổ trợ, tương hỗ phát triển, gắn bó chặt chẽ với TP. Nha Trang và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Khánh Hòa với các hoạt động kinh tế chính như; Du lịch gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử, sinh thái nhân văn, sinh thái nông nghiệp; nông nghiệp sạch, kinh tế trang trại; dịch vụ thương mại, sản xuất công nghiệp...

mot-goc-huyen-dien-khanh.jpg
Một góc huyện Diên Khánh, Khánh Hòa

Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của Diên Khánh khoảng 200.000 người, đất xây dựng toàn đô thị hơn 9,83 nghìn héc ta; đến năm 2040, quy mô dân số khoảng 250.000 người, đất xây dựng toàn đô thị gần 12 nghìn héc ta... Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Diên Khánh được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội, động lực cho tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Diên Khánh nói riêng về phát triển thành đô thị sinh thái văn hóa truyền thống...

Cụ Thể: Khu vực trung tâm hành chính: Diện tích khoảng 2.559,1 ha; dân số dự kiến khoảng 64.900 người. Đây là khu trung tâm hành chính, chính trị của huyện, là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử, sinh thái nhân văn đặc trưng của Diên Khánh…

Khu vực Đông Bắc: Diện tích khoảng 2.068,1 ha, dân số dự kiến khoảng 41.500 người; là không gian phát triển đô thị, sản xuất công nghiệp; tương hỗ phát triển với TP. Nha Trang. Phát triển dân cư đô thị thông qua việc khai thác quỹ đất xen kẹt để phát triển các đơn vị ở, nhóm nhà theo các trục kết nối từ đường Quốc lộ 1 và ven sông Cái. Nâng cấp, phát triển cụm công nghiệp Diên Phú với các ngành công nghiệp và công nghiệp sạch (cơ khí, chế tạo, may mặc, thủ công mỹ nghệ...), đầu tư xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất.

Khu vực Đông Nam: Diện tích khoảng 2.825,8 ha, dân số dự kiến khoảng 52.600 người; là không gian phát triển đô thị, dịch vụ thương mại có vai trò bổ trợ, tương hỗ phát triển, gắn bó chặt chẽ với TP. Nha Trang. Khu vực dọc theo đường Võ Nguyên Giáp, bổ sung các không gian thương mại dịch vụ hỗn hợp, đẩy mạnh phát triển và kết nối với TP. Nha Trang.

Khu vực Bắc sông Cái: Diện tích khoảng 11.451,5 ha, dân số dự kiến khoảng 8.900 người; là không gian phát triển dịch vụ du lịch gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử, sinh thái nông nghiệp. Đồng thời, phát triển nông nghiệp sạch, kinh tế trang trại thúc đẩy phát triển các điểm dân cư nông thôn tạo ra các làng nghề ở ngoại thành Diên Khánh. Định hướng phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm (du lịch mạo hiểm leo núi, tham quan, trải nghiệm cảnh quan trên sông Cái, du ngoạn cảnh làng quê, tham quan nhà vườn và các làng nghề truyền thống)...

Khu vực đầu mối trung chuyển vùng: Diện tích khoảng 2.835,9 ha, dân số dự kiến khoảng 50.200 người; là không gian phát triển dịch vụ thương mại gắn với các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển hỗn hợp thương mại - dịch vụ, đô thị tại vị trí đầu mối ga đường sắt tốc độ cao và vị trí giao giữa đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với đường Quốc lộ 27C.

Khu vực công nghiệp, nông nghiệp sinh thái: Diện tích khoảng 4.363,3 ha, dân số dự kiến khoảng 19.600 người; là không gian phát triển nông thôn và du lịch gắn với công nghiệp, nông nghiệp sinh thái; nông nghiệp sạch và kinh tế trang trại; hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây. Định hướng phát triển theo hướng đô thị sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bổ sung các cơ sở sản xuất nông nghiệp tập trung theo phương pháp tiên tiến, áp dụng công nghệ cao với hình thức tổ chức theo mô hình trang trại…

Khu vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ: Diện tích khoảng 8.276,6 ha, dân số dự kiến khoảng 12.300 người; là không gian phát triển du lịch thương mại dựa trên việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung các điểm dân cư mới. Cải tạo, chỉnh trang môi trường sống cho các điểm dân cư nông thôn hiện trạng, gắn kết người dân với các khu du lịch sinh thái nông nghiệp và sản xuất công nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây. Nâng cấp, mở rộng cụm công nghiệp Diên Thọ hướng tới mục tiêu thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao. Định hướng phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm gắn với bảo tồn hẹ thống rừng tự nhiên…

Đỗ Vương