Bamboo Airways hướng tới hòa vốn và có lãi từ 2025
(TN&MT) - Tỷ lệ lỗ trên tổng doanh thu thuần của Bamboo Airways đã giảm từ 46% năm 2022 xuống 29% trong năm 2023. Tổng nợ phải trả của công ty giảm khoảng 2000 tỷ đồng trong năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways không còn nợ tiền thuê máy bay.
Ngày 17/7, Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2024. Báo cáo tại đại hội, Chủ tịch HĐQT Phan Đình Tuệ cho biết, mặc dù đội máy bay của công ty giảm 19% so với năm 2022 do tiến hành tái cấu trúc đội tàu mạnh mẽ, song doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty tăng 6% so với năm 2022, đạt 12.392,9 tỷ đồng.
Trong đó, tỷ lệ ghế suất tăng lên mức 87%, doanh thu hành khách trung bình tăng 14%, doanh thu phụ trợ tăng 25%.
Tỷ lệ lỗ trên tổng doanh thu thuần đã giảm từ 46% năm 2022 xuống 29% trong năm 2023. Tổng nợ phải trả của công ty giảm khoảng 2000 tỷ đồng trong năm 2023. Tính đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways không còn nợ tiền thuê máy bay. Về cơ bản, Bamboo Airways đã hoàn tất giai đoạn tái cấu trúc đội máy bay. Hiện công ty đang tập trung khai thác đội tàu bay đơn dòng (Single- Fleet), với 8 máy bay thân hẹp A320/A321.
Để tối ưu chi phí hoạt động, Bamboo Airways đã thay đổi nhà cung cấp dịch vụ phục vụ mặt đất từ SAGS HGS sang Pacific Airlines và triển khai tự phục vụ, nhờ đó tiết kiệm 20% chi phí phục vụ mặt đất cho mỗi chuyến bay. Đồng thời, công ty đàm phán thành công về việc chuyển đổi Hệ thống phục vụ hành khách (PSS) từ Amadeus sang Navitaire, dự kiến triển khai vào tháng 4/2025. Việc này sẽ giúp tiết kiệm tối thiểu 20 triệu USD (khoảng hơn 508 tỷ đồng) trong 5 năm tới.
Năm 2024, Bamboo Airways dự kiến tổng doanh thu đạt 4.857 tỷ đồng và lỗ giảm về mức 1.387 tỷ đồng. 9 tàu bay thân hẹp Airbus dự kiến sẽ được khai thác, có thể tăng lên 12 chiếc vào cuối năm 2024 và 18 chiếc đến cuối năm 2025 nếu điều kiện thị trường cho phép. Đồng thời, công ty đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lấp đầy trung bình từ 81% lên mức 85%...
Trên cơ sở đội tàu được bổ sung từ nay đến cuối năm, Bamboo Airways dự kiến tăng tần suất các đường bay đang khai thác, mở lại một số đường bay nội địa như TP.HCM – Đà Lạt, TP.HCM – Thanh Hóa, TP.HCM – Phú Quốc…, nghiên cứu tái khai thác một số đường bay thường lệ quốc tế như TP.HCM – Bangkok (Thái Lan).
Để đảm bảo nhu cầu khai thác, Bamboo Airways cần được cung cấp bổ sung khoảng 1.690 tỷ đồng vốn trong 7 tháng cuối năm 2024, thông qua các giải pháp huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trong và ngoài nước theo quy định pháp luật.
Ông Lương Hoài Nam - Tổng giám đốc Bamboo Airways khẳng định, tái cấu trúc hàng không là công việc rất khó khăn, song công ty vẫn đặt mục tiêu là 2024 sẽ là năm cuối cùng kinh doanh bị lỗ. Từ năm 2025 sẽ hòa vốn và tiến đến có lãi trong các năm tiếp theo. Trong vòng 3 năm tới sẽ đưa công ty lên giao dịch trên sàn chứng khoán.