Suy ngẫm từ chuyện người già hành nghề nhặt rác
(TN&MT) - Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc vừa công bố số liệu cho thấy từ tháng 2 đến tháng 5/2024 có thêm gần 15.000 người già hành nghề thu gom ve chai, giấy vụn ở khắp Hàn Quốc. Cứ 650 người từ 65 tuổi trở lên lại có hơn một người nhặt phế liệu. Những con số này gợi nhớ đến câu chuyện 70 chị em làm nghề thu lượm ve chai được tri ân, tôn vinh vào đầu tháng 3 năm nay tại TP Hội An, Quảng Nam.
Trong số 7.335 cửa hàng thu mua phế liệu trên khắp Hàn Quốc, có 3.221 cửa hàng chuyên mua lại ve chai từ những người lớn tuổi. Trong đó, khu vực thủ đô Seoul là nơi có số lượng người già hành ghề thu gom ve chai nhiều nhất, với 2.530 người. Tiếp đến là tỉnh Gyeonggi, Nam Gyeongsang và Busan.
Điều đáng nói từ những con số trên là tất cả những người lớn tuổi tham gia thu gom ve chai đều nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và nhận được lương hằng tháng như một công việc chính thức. Đây là chính sách của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tạo việc làm và thu nhập cho người cao tuổi. Bởi hiện nay xã hội Hàn Quốc đang phải đối mặt với hiện trạng tỉ lệ sinh thấp kỷ lục, già hóa dân số, trong khi chính bản thân những người lớn tuổi cũng cảm thấy áp lực khi trở thành gánh nặng cho các con.
Bởi thế không ít cụ ông, cụ bà đã cố gắng tìm việc làm để có thêm thu nhập. Cụ thể mỗi cụ ông, cụ bà tham gia thu gom ve chai sẽ nhận được khoản trợ cấp 200.000 won (hơn 3,6 triệu đồng), cùng với mức lương từ 500.000 đến 800.000 won (từ 9 đến gần 15 triệu đồng) mỗi tháng cũng như bảo hiểm tai nạn. Giới chức Hàn Quốc nhận định mức thu nhập này không phải là quá cao, nhưng đủ để các ông bà trang trải cuộc sống, giảm gánh nặng cho con cháu.
Năm ngoái, Viện Phát triển lực lượng lao động Hàn Quốc dành cho người cao tuổi, đơn vị trực thuộc của Bộ Y tế và Phúc lợi, cũng khảo sát 105 trong số gần 4.300 cửa hàng thu gom phế liệu trên toàn quốc để ước tính tổng số người cao tuổi tham gia thu gom giấy thải.
Theo nghiên cứu, độ tuổi trung bình của những người thu gom phế liệu là 76. Trong đó, tỷ lệ số người sống một mình chiếm hơn 36%. Trung bình những người thu gom này làm việc 5,4 giờ mỗi ngày, 6 ngày một tuần, kiếm được 159.000 won hàng tháng. Thu nhập chỉ bằng 12% mức lương tối thiểu hiện tại. Động lực chính để họ đi thu gom giấy thải là những khó khăn về tài chính. Gần 54% cho biết đi nhặt phế liệu để kiếm sống, hơn 29% cần tiền tiêu vặt.
Mặc dù Hàn Quốc có nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới và thu nhập bình quân đầu người là gần 33.800 USD, đứng thứ 22 trên toàn cầu nhưng nghèo đói đang ảnh hưởng đến dân số cao tuổi ở quốc gia châu Á này.
Cùng châu lục, Việt Nam cũng là nước có hàng triệu người làm nghề ve chai, đồng nát. Chưa kể, ở các làng nghề, cũng có khoảng 2-3 triệu người làm công việc phân loại, vận chuyển, tái chế ve chai… Hiện nước ta có nhiều thành tựu về khoa học kỹ thuật, nhưng trong việc thu gom, xử lý rác thải, ngoài sự hỗ trợ của máy móc, chúng ta vẫn cần tới đôi bàn tay của lực lượng làm nghề ve chai, đồng nát. Họ chính là những nhân tố góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.
Có lẽ vì vậy tại trung tâm du lịch TP Hội An vào đầu tháng 3 năm nay, nơi rác thải gần như được thu gom triệt để nhằm bảo vệ an toàn cho ngành du lịch, những người làm nghề nhặt ve chai đã được tri ân, tôn vinh nhằm ghi nhận xứng đáng những đóng góp của họ với hình ảnh phố cổ.
Đây là buổi lễ tuyên dương điển hình phụ nữ tiên tiến và phụ nữ thu mua ve chai do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thông qua Chương trình đối tác chiến lược IUCN - PRO Việt Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hội An và Hội Bảo trợ người khuyết tật, quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Khi tôn vinh những người làm nghề ve chai, ban tổ chức đã nhận xét rằng những người làm nghề thu lượm ve chai đang đóng góp vào nỗ lực hạn chế chất thải rắn. Ve chai là "hình thức sơ khai của kinh tế tuần hoàn". Cụm từ "kinh tế tuần hoàn" vốn dành cho những công việc sang trọng, to lớn nhưng khi được tôn vinh khiến nhiều chị em phụ nữ làm nghề này bối rối.
Đa phần những phụ nữ làm nghề ve chai ở TP Hội An đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đau yếu, gia đình không trọn vẹn. Bà Phạm Thị Sâm ở khối Sơn Phong (TP Hội An) chia sẻ chồng bà đau yếu, người anh chồng lại tâm tính không bình thường nên bao năm gánh ve chai của bà thêm nặng trĩu để lo cho các thành viên.
Không chỉ bà Sâm, những người làm nghề như bà đều có tâm trạng chung. Đa phần họ đều làm nghề này vì bất đắc dĩ, cũng vì cuộc sống mưu sinh để nuôi gia đình chứ không ai muốn theo. Khoảnh khắc được vinh danh trong ngày 8/3, họ được nhận những lời yêu thương, những cái nắm tay, những trao gửi và cả những cái ôm cảm ơn đầm ấm.
Thiết nghĩ, nghề ve chai cũng cao quý như những nghề khác trong xã hội, cần được quan tâm một cách đầy đủ, đúng mức và nhận được mức an sinh xã hội tối thiểu. Chúng ta cần quan tâm đầy đủ để những người thu gom ve chai có thể tự hào về nghề nghiệp của họ, đặc biệt về công việc bảo vệ môi trường của họ.