Ngành TN&MT

Đắk Nông: Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo bền vững

Phạm Hoài 16/07/2024 - 17:46

Đắk Nông là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có diện tích rừng lớn với hơn 248.000ha rừng, trong đó có khoảng 196.358ha rừng tự nhiên. Hiện tại, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ và phát triển bền vững nhằm nâng cao giá trị từ rừng để giúp cho người dân sống ở các vùng giáp ranh có điều kiện phát triển kinh tế và ổn định hơn.

1(1).jpg
Công tác trồng và chăm sóc rừng ở các địa phương tỉnh Đắk Nông luôn được chú trọng

Nâng cao giá trị kinh tế từ rừng

Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế về rừng với diện tích rừng tự nhiên lớn đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân ở các vùng giáp ranh. Điển hình tại huyện Đắk Glong, là một trong những địa phương của tỉnh Đắk Nông đi đầu trong công tác giao khoán đất rừng để người dân thu được nguồn lợi từ rừng cũng như giúp cho chính quyền địa phương giảm được áp lực về tình trạng phá rừng trên địa bàn. Ví như: Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng hiện đang giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần khu rừng. Trong đó, các hộ dân tập trung sinh sống chủ yếu ở 2 xã: Đắk Som và Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).

Trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm đã tổ chức khoảng 1.000 lượt tuần tra rừng và ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Đơn cử như năm 2019, các hộ nhận khoán đã tham gia 1.168 lượt tuần tra, kiểm tra tại 24 tiểu khu rừng trong VQG với 5.540 lượt người tham gia. Trong số 6.030 ha rừng giao khoán cho người dân được chia theo 02 lưu vực như: Sông Đồng Nai có hơn 2.361 ha, còn lại sông Sêrêpốk hơn 3.668 ha. Với mức chi trả trung bình từ 693.000 đồng đến 1,028 triệu đồng/ha/năm, thì trung bình mỗi năm, một hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20,8 đến 30,8 triệu đồng.

Theo ông Trần Nam Thuần – Chủ tịch UBND huyện Đắk GLong, trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế nên việc hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… Đây được xem là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng. “Muốn người dân bảo vệ tốt thì ngoài việc tuyên truyền vận động phải có chính sách hỗ trợ phù hợp và hiện nay huyện Đắk GLong là một trong những địa phương đi đầu về công tác bảo vệ rừng và nâng cao giá trị kinh tế từ rừng giúp bà con có điều kiện tốt để thoát nghèo”. Ông Thuần chia sẻ.

3.jpg
Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc Gia Tà Đùng(Đắk Nông) đi tuần tra kiểm soát khu vực rừng thông ở xã Đắk Sớm, huyện Đắk Glong

Khai thác tiềm năng

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án này có kinh phí thực hiện gần 893 tỉ đồng, do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Đề án này lấy trọng tâm là việc bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội và ổn định dân cư sống trong rừng và gần rừng. Bên cạnh đó, đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 40% vào năm 2025 và trên 42% năm 2030, tương đương với mức bình quân của cả nước.

Ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển kinh tế rừng. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế rừng, góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, thông qua các hoạt động như: nuôi heo, bò, dê dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh đã xây dựng phương án quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Tiếp theo là sẽ triển khai phát triển các loại cây trồng đa mục đích, được công nhận hiệu quả về kinh tế, tăng độ che phủ, và mang lại tín chỉ carbon. “Chúng tôi đang bám sát Nghị quyết của Trung ương, cơ chế chính sách hiện tại để xây dựng điểm vấn đề tín chỉ carbon. Tỉnh đang đồng bộ việc phát triển rừng, chống biến đổi khí hậu gắn với dịch vụ môi trường rừng để xây dựng tín chỉ carbon và bán trên thị trường trong tương lai”.

Tổng diện tích đất có rừng theo rà soát là khoảng 248.000ha. Đắk Nông được các chuyên gia nhận định là khu vực có tiềm năng lớn cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon về rừng. Theo đánh giá của các chuyên gia nếu Đắk Nông bảo vệ tốt hiện trạng rừng hiện có và gia tăng diện tích rừng lên gần 88.000ha năm 2030, thì số lượng carbon rừng Đắk Nông có thể hấp thụ thêm là 1,5 triệu tấn. Đây được xem là một tiềm năng kinh tế rừng rất lớn trong tương lai và góp phần giúp cho đông đảo người dân vùng khó khăn thoát nghèo bền vững.

Phạm Hoài