Triển khai Luật Đất đai 2024

Sẵn sàng cho việc điều chỉnh hiệu lực sớm Luật Đất đai 2024 - Đảm bảo sớm đưa các quy định mới, đột phá vào thực thi

Thanh Tùng - Khương Trung - (thực hiện) 16/07/2024 - 14:24

(TN&MT) - Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, đưa các luật này có hiệu lực sớm (từ 1/8/2024) giúp sớm đưa các quy định mới, đột phá, có lợi cho người dân, doanh nghiệp và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vào thực thi.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông xung quanh nội dung này.

4acccc.jpg
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai -
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

PV: Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Dương Khắc Mai: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, các Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Tôi cho rằng, việc các Luật này sớm đi vào cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, qua nghiên cứu Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Tờ trình của Chính phủ và theo dõi các phương tiện thông tin truyền thông, tôi nhận thấy các cơ quan, dư luận xã hội đều cho rằng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách mới của Đảng, khắc phục những tồn tại, bất cập của các luật trước đây, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, đột phá, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường nhà ở, bất động sản, kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Vì vậy, việc điều chỉnh hiệu lực sớm của các luật sẽ đảm bảo sớm đưa các quy định mới, đột phá, có lợi cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước vào thực thi, áp dụng trong thực tiễn.

Tôi cũng nhận thấy, ngoài những điểm mới, đột phá, cơ bản được nêu trong Tờ trình của Chính phủ dài 35 trang, Phụ lục số 1 kèm theo Tờ trình còn nêu cụ thể, chi tiết các điểm mới, có lợi cho người dân và doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm khâu trung gian, giảm chi phí tuân thủ. Tôi xin lấy 2 ví dụ. Một là, Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể về các trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất, các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, các trường hợp giao đất cho thuê thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, các trường hợp giao đất cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất,...

Quy định như vậy sẽ cơ bản khắc phục được những hạn chế trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch để cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ được giao cho thuê đất. Do đó, nếu các quy định này sớm có hiệu lực hơn thì địa phương sẽ có căn cứ để triển khai thực hiện mà không nhất thiết chờ đến ngày 1/1/2025, đặc biệt là đối với các dự án mới có sử dụng đất, từ đó góp phần quan trọng vào việc khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Thứ hai, Luật Đất đai 2024 phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh, đồng thời sửa đổi Luật Lâm nghiệp để phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng cho HĐND cấp tỉnh. Do đó, nếu các quy định này có hiệu lực sớm hơn sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị các dự án, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

PV: Sau khi các Luật được thông qua, một trong những nội dung quan trọng là sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm các điều kiện để Luật đi vào cuộc sống. Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Chính phủ?

Đại biểu Dương Khắc Mai: Tôi cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có sự chuẩn bị rốt ráo nhằm đáp ứng điều kiện đảm bảo thi hành khi các Luật có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024. Tại báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến thảo luận tổ ngày 20/6/2024 đã nêu: Một, đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì đã được rà soát nhiều lần, nhiều vòng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi trong thực tiễn, bao quát đầy đủ các quy định được giao trong luật, thống nhất, đồng bộ với pháp luật khác có liên quan.

Hai, với các văn bản thuộc thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương, phần lớn đã được các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết khi thực hiện Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản đôn đốc cho các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đối với Luật Đất đai 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã khẳng định có đầy đủ cơ sở các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật từ ngày 1/8/2024.

Việc này cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất khẩn trương, nỗ lực, trách nhiệm trong việc xây dựng, chuẩn bị hệ thống các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu nếu các Luật có hiệu lực sớm. Do đó, tôi thấy khá yên tâm khi bấm nút để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm.

Tuy nhiên, để đảm bảo các Luật thực sự phát huy lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp thì đây là một áp lực rất lớn. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo hạn chế những tác động không mong muốn xảy ra, đặc biệt là không tạo ra khoảng trống pháp lý, kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện.

4acx.jpg

PV: Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của địa phương, các địa phương cần có sự chuẩn bị như thế nào để kịp ban hành khi Luật có hiệu lực, thưa ông?

Đại biểu Dương Khắc Mai: Tôi đồng ý với ý kiến nhiều ĐBQH cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là không chờ Chính phủ có các văn bản hướng dẫn mà địa phương chủ động chuẩn bị những văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm của mình. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương có thể gửi luôn dự thảo các văn bản cho các địa phương và nói rõ những điểm còn đang cân nhắc, những điểm tương đối đồng thuận; các địa phương căn cứ vào đó để có định hướng chuẩn bị. Khi các bộ ban hành văn bản chính thức, các địa phương cũng sẽ ban hành các văn bản của mình. Cách làm như vậy sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ ban hành hệ thống văn bản ở cả Trung ương và địa phương.

Mặt khác, các địa phương có tính đặc thù chưa thể ban hành kịp các văn bản trước ngày 1/8 thì có thể xem xét cơ chế để địa phương được trễ 1, 2 tháng, không phải đồng loạt bắt buộc khi chưa sẵn sàng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tùng - Khương Trung - (thực hiện)