Xã hội

Nỗi niềm nghề biển – Bài 2: Tiếng nói từ cơ sở

Văn Dinh 16/07/2024 14:18

(TN&MT) - PV Báo TN&MT trao đổi với những địa phương giáp biển của tỉnh Thừa Thiên – Huế, qua đó lắng nghe thêm tiếng nói từ cơ sở để đồng hành cùng bà con ngư dân vươn khơi, bám biển.

z5590168567414_d82d85a41aaa665b473e9354a1f29462.jpg
Ông Nguyễn Văn Chính. Ảnh: Văn Dinh

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang: Tiếp tục hỗ trợ ngư dân

Toàn huyện có 12/14 xã, thị trấn ven biển và đầm phá, với chiều dài bờ biển trên 30 km và hệ thống đầm phá với diện tích hơn 5.800 hecta; người dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; đây là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành cấp tỉnh và dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; tình hình kinh tế - xã hội vùng biển và đầm phá của địa phương đã có những thay đổi đáng kể, đời sống nhân dân được nâng cao, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Hiện trên địa bàn huyện có 796 chiếc tàu thuyền đánh bắt, trong đó tàu xa bờ chiều dài từ 15 m trở lên là 125 chiếc, tàu cỡ trung chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m là 5 chiếc. Hầu hết các phương tiện được đầu tư, trang bị các thiết bị hàng hải như: Máy định vị, máy dò cá, bộ đàm đồng bộ, phục vụ cho việc tìm kiếm ngư trường nguồn lợi đánh bắt xa bờ có hiệu quả cao; kết hợp đánh bắt hải sản với việc xây dựng tổ chức lực lượng dân quân góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Xây dựng các Chi hội nghề cá, tổ đoàn kết, liên đoàn, nghiệp đoàn nhằm hổ trợ giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn xảy ra trên biển.

bai-2-anh-2.2.jpg
Ngư dân Phú Vang xuất quân đánh bắt thủy sản đầu năm 2024.

Sản lượng đánh bắt thủy hải sản hàng năm của Phú Vang được duy trì và ổn định khoảng 17.150 tấn, tổng giá trị khai thác thuỷ sản trên 583 tỷ đồng, góp phần ồn định và nâng cao đời sống cho ngư dân

Để tiếp tục đồng hành cùng ngư dân bám biển, thời gian tới, huyện và các ngành chức năng liên quan sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân đầu tư trang thiết bị hằng hải hiện đại như máy định vị, máy dò ngang, máy ECOM, đèn led, hầm bảo quản đông lạnh, sơ chế hải sản đảm bảo đi biển dài ngày, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác.

bai-2-anh-2.jpg
Phú Vang là địa phương có truyền thống bám biển của Thừa Thiên – Huế. Ảnh: Văn Dinh

Tổ chức sắp xếp nghề khai thác biển theo hướng chuyển đổi nghề khai thác có hiệu quả kinh tế cao và đủ điều kiện khai thác vùng biển xa bờ. Sắp xếp hợp lý các phương tiện khai thác thủy sản, chuyển đổi các phương tiện đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ, chuyển đổi một số nghề khai thác cạn kiệt (như lưới kéo đáy, rê đáy), giảm tỷ trọng đội tàu khai thác cá nổi nhỏ (như lưới vây, chụp mực), phát triển đội tàu khai thác cá nổi lớn xa bờ (như lưới rê, câu vàng, lưới vây cá ngừ,...)

Chỉ đạo, hướng dẫn bà con ngư dân thường xuyên cải tiến ngư cụ, mạnh dạn đầu tư thêm nghề mới, nhân rộng mô hình đánh bắt có hiệu quả như nghề đánh bắt cá Lạc, rê cá chim, rê hổn hợp, rê siêu bùng nhùng, rê chuồn, rê mực khơi, bẩy ghẹ ốc hương... Đảm bảo các tàu được trang bị 2 nghề chính nhằm hoạt động đánh bắt quanh năm (2 vụ Bắc và Nam). Đầu tư củng cố và phát triển cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá, sản xuất ngư lưới cụ, trang thiết bị máy móc trên tàu cá, cung cấp xăng dầu, dịch vụ bảo quản chế biến. Ngoài ra, tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến chủ quyền biển đảo cho ngư dân để nâng cao ý thức trong quá trình khai thác đánh bắt trên biển.

Ông Phan Công Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc: Xây dựng huyện có nền kinh tế biển và đầm phá phát triển mạnh

bai-2-anh-6.jpg
Ông Phan Công Mẫn

Thời gian qua, hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá theo hướng tích cực; chuyển từ sản xuất nông nghiệp năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản có giá trị và hiệu quả cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình. Từ đó đời sống người dân vùng ven biển và đầm phá ổn định và ngày càng phát triển. Sản lượng đánh bắt thủy sản tự nhiên năm 2023 đạt 8.070 tấn; trong đó, đánh bắt biển 6.075 tấn.

Tuy nhiên, kinh tế vùng biển và đầm phá vẫn thiếu bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng; tăng trưởng kinh tế còn thấp, năng suất chưa cao, dịch vụ phát triển chưa mạnh, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm hàng hóa thấp. Dịch vụ hậu cần nghề cá còn yếu; chế biến thủy sản còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được cơ sở sản xuất chế biến công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung... Một số lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chậm, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch biển có chất lượng cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

bai-2-anh-7.jpg
Ngư dân Phú Lộc gia cố tàu thuyền, sẵn sàng vươn khơi. Ảnh: Văn Dinh

Bờ biển huyện Phú Lộc dài trên 65 km, trải dài trên 9 xã và 2 thị trấn, ngoài ra có khoảng 11.400 hecta diện tích đầm phá, gồm hai đầm chính là đầm Cầu Hai và đầm Lập An. Khoảng 86.520 khẩu sống ở ven biển và đầm phá, chiếm 66,3 % dân số toàn huyện. Tổng số tàu thuyền là 2.951 chiếc, trong đó tàu thuyền khai thác biển 834 chiếc (khoảng 290 tàu đăng ký dữ liệu quốc gia)

Với phương châm phát triển kinh tế biển và đầm phá phải trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, Phú Lộc sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đạt được, đồng thời rút ra những kinh nghiệm và bài học thực tiễn, tiếp tục xây dựng huyện có nền kinh tế biển và đầm phá phát triển mạnh.

Huyện sẽ khai thác và sử dụng có hiệu quả kinh tế cảng cá Tư Hiền kết hợp với quốc phòng. Tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ. Thực hiện cơ chế giao cho các cộng đồng ngư dân ven biển, đầm phá quyền khai thác và nghĩa vụ bảo vệ, quản lý vùng biển dưới mọi hình thức. Sắp xếp và bố trí lại sản xuất thủy sản theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, đảm bảo phát triển bền vững. Vận động ngư dân phát triển đội tàu công suất lớn, đầu tư các thiết bị công nghệ tiên tiến đảm bảo có thể đi biển dài ngày nhằm tăng sản lượng và chất lượng hải sản đánh bắt và mở rộng ngư trường đánh bắt, gắn với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.

chanmay-12.jpg
Bờ biển huyện Phú Lộc dài và đẹp. Ảnh: Văn Dinh

Mở rộng các loại hình dịch vụ bổ trợ phát triển nghề cá như cơ khí đóng và sửa chữa tàu thuyền, cung cấp vật tư, thiết bị, ngư, lưới cụ; các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến các sản phẩm từ thủy sản. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở các cửa biển, các vùng neo đậu tàu thuyền tránh bão. Xây dựng hệ thống quan trắc và dự báo thuỷ văn vừa phục vụ cho phát triển nghề cá, vừa đảm bảo quản lý vùng biển và ven biển của huyện.

Huyện cũng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển và đầm phá với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo vệ và tái tạo nguồn gen, phát triển các nguồn tài nguyên biển và đầm phá trong tương lai. Phát huy nhân tố con người, tập trung đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, nâng cao trình độ dân trí, thực hiện tốt các chính sách, bảo đảm an sinh xã hội.

ad.jpg
Ngư dân Phú Lộc mong muốn nghề biển sẽ đi lên hơn nữa, bởi huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh về biển
nhưng chưa được phát triển tương xứng. Ảnh: Văn Dinh

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế: Nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để phát triển vùng đầm phá và ven biển

Thời gian qua, để giảm chi phí ra vào tiêu thụ sản phẩm của tàu cá, trên địa bàn thành phố đã phát triển mạnh đội tàu dịch vụ thu mua sản phẩm đánh bắt ngay trên biển ở phường Thuận An, góp phần rất lớn trong việc tăng hiệu quả kinh tế và đánh bắt dài ngày trên biển. Chỉ đạo các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, hồ sơ vay vốn cho các cơ sở tư nhân làm dịch vụ cung cấp thực phẩm, nước đá, xăng dầu, sửa chữa cơ khí, thu mua sản phẩm trên địa bàn thành phố phát triền. Cảng cá Thừa Thiên - Huế đóng ở phường Thuận An được đầu tư mở rộng công tác dịch vụ tạo thuận lợi cho các phương tiện cập bến để tiêu thụ sản phẩm, kịp thời chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo đã góp phần giảm chi phí nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; năm 2023 TP. Huế có 72 tàu thuyền được UBND tỉnh phê duyệt vào danh sách các tàu cá tham gia hoạt động thủy sản trên các vùng biển xa. Các tàu cá đã được hỗ trợ nhiên liệu với kinh phí 23.752 triệu đồng (72 tàu), hỗ trợ bảo hiểm với kinh phí 562,526 triệu đồng (54 tàu). TP. Huế cũng thường xuyên vận động ngư dân tích cực bám biển, khai thác đánh bắt xa bờ và đầu tư năng lực khai thác bằng nguồn vốn của Chính phủ và nguồn vốn huy động trong nhân dân để đầu tư đóng mới và sửa chữa cải hoán tàu thuyền.

bai-2-anh-3.jpg
Ông Trần Song. Ảnh: Văn Dinh

TP. Huế hiện có 527 tàu thuyền, chủ yếu ở phường Thuận An và xã Hải Dương, trong đó tàu xa bờ chiều dài từ 15 m trở lên 121 chiếc, tàu cỡ trung chiều dài từ 12 đến dưới 15 m là 121 chiếc

Theo chia sẻ của ông Song, trong tương lai gần, TP. Huế sẽ tập trung nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu vực Thuận An, Hải Dương và Hương Phong để đón đầu trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch vùng đầm phá và ven biển. Tập trung đầu tư, nâng cấp Cảng cả Thuận An, đưa cảng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, hỗ trợ cho ngự dân bám biển, nâng cao giá trị thủy hải sản phát triển nghề cá bền vững, góp phần nâng cao năng lực nghề cá, giảm nghèo khu vực ven biển và đầm phá.

bai-2-anh-4.jpg
Cảng cá Thừa Thiên - Huế đóng ở phường Thuận An được đầu tư mở rộng, giúp ngư dân nâng cao kinh tế biển. Ảnh: Văn Dinh

Có kế hoạch để các thành phần kinh tế, các lao động đánh bắt thủy sản ven bờ chuyển đổi nghề, tham gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển. Tạo điều kiện các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất giống sạch bệnh, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, dịch vụ tư vấn và đào tạo kỹ thuật cho lao động vùng ven biển về các nghề khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thuỷ sản, tạo sự phát triển đồng bộ.

Thực hiện cơ chế giao cho các cộng đồng ngư dân ven biển, đầm phá quyền khai thác và nghĩa vụ bảo vệ, quản lý vùng biển dưới mọi hình thức. Nâng cao hiệu quả chương trình khai thác đánh bắt xa bờ. Nâng cao năng lực và trang thiết bị như máy dò cá, máy định vị, bảo quản đông lạnh hoặc sơ chế hải sản trong một thời gian nhất định không bị hư hỏng.

bai-2-anh-5.jpg
Người dân nhộn nhịp thu mua hải sản ở Cảng cá Thuận An. Ảnh: Văn Dinh

Ngoài ra, xây dựng các cơ sở chế biến thủy hải sản có thương hiệu ở Thuận An, Hải Dương và cảng cá Thuận An. Tiếp tục đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa sớm đẩy nhanh tiến độ đầu tư cầu Thuận An nối giữa phường Thuận An và xã Hải Dương và kết nối tuyến đường bộ ven biển dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy đặc sản gắn liền với chuỗi giá trị du lịch, các nhà hàng ẩm thực truyền thống Huế phục vụ du khách. Hình thành chuỗi thị trường tiêu thụ thủy đặc sản vùng đầm phá nâng cao giá trị gia tăng. Khai thác lợi thệ thế vùng đầm phá khu vực Hương Phong- Hải Dương và Thuận An trong việc phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp ẩm thực; nâng cao chất lượng của lễ hội “Thuận An biển gọi” và các lễ hội cầu ngư… để hình thành trung tâm văn hóa du lịch đầm phá lớn của vùng tại Thuận An.

Sự hiện diện của ngư dân trên biển cũng là sự khẳng định chủ quyền lãnh hải. Vì thế, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế thường xuyên kết nối thông tin liên lạc với ngư dân đánh bắt xa bờ để tiếp nhận, trao đổi thông tin giữa bờ và biển. Mỗi năm, lực lượng biên phòng đã kịp thời hỗ trợ, thông báo bão, áp thấp nhiệt đới cho ngư dân đang khai thác trên biển, kịp thời trú tránh vào nơi an toàn, kêu gọi, vận động hàng chục tàu thuyền, ngư dân ứng cứu lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển...

Ngoài ra, biên phòng đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền các xã biển tặng hàng ngàn lá cờ cho ngư dân; nhằm tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh để bà con vượt qua những khó khăn...

bai-2-anh-8.jpg
Ngư dân gặp nạn được lực lượng biên phòng Thừa Thiên – Huế cứu trợ kịp thời

Bài 3: Đồng hành cùng ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững

Văn Dinh