Ninh Thuận: CJ và KOICA hỗ trợ 4,2 tỷ đồng mở rộng vùng nguyên liệu ớt
Sáng ngày 15/7/2024, Tập đoàn CJ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), đã công bố tiếp tục hỗ trợ dự án mở rộng vùng nguyên liệu ớt tại Ninh Thuận.
Dự án vùng nguyên liệu ớt tại Ninh Thuận được triển khai từ năm 2014, nhằm cải thiện đời sống người dân trong khu vực. Đến năm 2017 dự án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như cải thiện môi trường sống tại khu vực thôn Tầm Ngân (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) và gia tăng thu nhập nông nghiệp thông qua hợp đồng trồng ớt.
Đặc biệt, dự án đã tăng cường chuỗi giá trị nông sản tại Ninh Thuận và kết nối với lĩnh vực thực phẩm của CJ để tối đa hóa hiệu quả của dự án thông qua việc CJ khánh thành nhà máy chế biến nông sản Tầm Ngân, đảm bảo đầu ra cho cây ớt được trồng tại nơi đây.
Sau khi dự án kết thúc vào năm 2018, CJ vẫn tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Hợp tác xã và mở rộng thị trường bột ớt. Tuy nhiên, từ năm 2020, sự lan rộng của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc giảm thiểu sự tham gia của các nông hộ trong việc trồng ớt và tạm ngưng hoạt động của nhà máy, gây khó khăn cho hoạt động cho hợp tác xã và thu nhập của nông dân nơi đây. Tuy vậy, từ năm 2022, Tập đoàn CJ vẫn tiếp tục hỗ trợ dự án bằng nguồn vốn khẩn cấp (hơn 400 triệu đồng) để sửa chữa nhà máy và động viên hộ nông dân trở lại trồng ớt.
Từ giữa cuối năm 2023, CJ đã hỗ trợ Hợp tác xã Tầm Ngân trong việc trồng lại cây ớt và khắc phục các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả là sản phẩm ớt bột Ninh Thuận đã bắt đầu được bán lại trên thị trường từ năm 2024. Tuy nhiên, vấn đề còn đó là sự tham gia giới hạn của một số nông hộ dẫn đến sản lượng thấp và thiếu nhân lực trong các hợp tác xã và nhà chế biến.
Để tái thiết dự án và đảm bảo hiệu quả bền vững, từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2026, Tập đoàn CJ và KOICA cam kết hỗ trợ tổng số tiền 4,2 tỷ đồng. Cùng với sự kết hợp của các ban ngành tỉnh Ninh Thuận, dự án sẽ tập trung vào việc thực hiện chương trình hỗ trợ vật chất để mở rộng tham gia của nông dân và gia tăng sản lượng nông sản. Cụ thể:
Triển khai chương trình hỗ trợ vật chất và nhân lực để mở rộng sự tham gia của nông dân và gia tăng sản lượng; Củng cố hệ thống hoạt động của các hợp tác xã và nhà chế biến thông qua việc tối ưu hóa mô hình kinh doanh từ trồng, chế biến đến tiêu thụ; Cử chuyên gia Hàn Quốc sang địa phương để hỗ trợ hoạt động trồng ớt của nông dân và sản xuất của nhà máy.
Ông Trịnh Minh Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “ tỉnh Ninh Thuận rất vui mừng vì nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Tập đoàn CJ và KOICA trong việc hỗ trợ Hợp tác xã Tầm Ngân và dự án. Hy vọng rằng với sự hỗ trợ này, đời sống người dân trong khu vực sẽ được cải thiện dài lâu”.