Chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn
(TN&MT) - Tại cuộc họp với các Bộ, ngành về ứng phó áp tháp nhiệt đới và mưa lớn sáng 15/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, áp tháp nhiệt đới đầu tiên của năm nay khi đổ bộ vào Việt Nam có khả năng giảm sức gió và trở thành vùng áp thấp. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại là mưa lớn sẽ gây nguy cơ ngập úng đô thị, sạt lở đất tại các khu vực miền núi và đe dọa an toàn hồ chứa.
Các vùng có nguy cơ cao sạt lở sắp tới
Chia sẻ sơ lược về tình hình thiên tai thời gian qua, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Từ ngày 1 - 13/7, các tỉnh miền núi phía Bắc cục bộ đã có mưa to đến rất to. Trong đó, tỉnh Hà Giang có mưa từ 400 - 600mm. Riêng trạm Tân Lập (huyện Bắc Quang) mưa lên tới 1.568mm và có cường suất rất lớn 507mm/12 giờ (đêm 9/7 đến sáng ngày 10/7); còn đồng bằng Bắc Bộ có mưa phổ biến từ 100 - 200mm. Gần đây nhất, mưa lớn đã gây sạt lở đất ngày 13/7 tại quốc lộ 34, huyện Bắc Mê làm 11 người chết, 4 người bị thương.
Trong sáng nay 15/7, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ngoài Biển Đông có sức gió cấp 6, giật cấp 8. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 14,5 - 17 độ vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111 độ kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định: Trong ngày hôm nay, áp thấp nhiệt đới sẽ duy trì sức gió cấp 6 và suy yếu dần. Khả năng cao trước khi đổ bộ, sức gió sẽ giảm dưới cấp 6. Tuy nhiên, toàn bộ Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và sau đó mở rộng ra khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa lớn.
Kể từ chiều tối ngày 15/7 đến 17/7, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ trên 250mm; đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến 50- 100mm, cục bộ trên 200mm. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở 2 khu vực chính: phần phía Nam của Tây Nguyên và các tỉnh vùng núi thuộc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi) và Bắc Bộ (Hà Giang, Lào Cai, yên Bái, Điện Biên, Lai Châu...).
Trên biển, ngày và đêm 15/7, khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực các tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau và vùng biển phía Nam có mưa rào và dông mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Nam đến Đông mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, biển động.
Đến sáng nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 40 nghìn tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, trong đó có hơn 1 nghìn tàu, thuyền đang hoạt động tại vùng biển từ Quảng Trị - Quảng Ngãi và quần đảo Hoàng Sa. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấm biển từ chiều qua 14/7.
Về tình hình các hồ thủy điện, theo Bộ Công Thương, mực nước thượng lưu các hồ Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đang cao hơn mực nước cao nhất trước lũ từ 3 – 4m. Từ nay đến ngày 20/7, các hồ phải vận hành để giảm mực nước về ngưỡng an toàn trong mùa lũ chính vụ. Hiện, hồ thủy điện Hoà Bình đang mở 1 cửa xả đáy. Thông tin từ Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các hồ thủy lợi miền Bắc hiện đã đạt 61-95% dung tích thiết kế , hồ khu vực Bắc Trung Bộ đạt 44 - 56% dung tích thiết kế.
Nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó nguy cơ
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các lực lượng bộ đội, công an trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn cho rằng, lũ quét, sạt lở xảy ra bất ngờ và khó dự báo nên thường gây thiệt hại lớn, đặc biệt là tính mạng con người. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, không nghe theo khuyến cáo của cơ quan chức năng mà vẫn đi qua ngầm, tràn trong khi lũ chảy xiết. Nhiều trường hợp bị cuốn trôi cả người cả phương tiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, thống kê từ đầu năm đến nay, số người thiệt mạng do thiên tai là 68 người, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, dù chưa bắt đầu vào mùa mưa lũ. Đây là vấn đề rất lớn cần tìm ra giải pháp, bởi theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm sẽ có vài cơn bão đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam, thậm chí sẽ có những hình thái thời tiết cực đoan, đặc biệt ở khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
“Theo quy luật, năm Giáp Thìn thường sẽ có lụt khủng khiếp. 60 năm trước đã có một trận lụt sâu lịch sử và kéo dài nhiều ngày ở miền Trung. Từ nay đến cuối năm, chúng ta cần phải tính toán chủ động phòng chống thiên tai và không được chủ quan” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Trước ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lớn, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần chú trọng giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, tiến hành rà soát lại tất cả các tuyến cống, rãnh, cửa thoát nước và khơi thông dòng chảy. Về sạt lở đất và lũ quét ở khu vực miền núi, cần rà soát và đánh giá các khu vực có nguy cơ cao và triển khai các giải pháp. Rút kinh nghiệm từ sự cố trượt lở nghiêm trọng tại Hà Giang vừa qua, Thứ trưởng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trong trường hợp đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao có thể đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại ban đêm, thậm chí cấm đoạn đường đó. Mục tiêu nhằm giảm tối đa thiệt hại về người.
Trên biển, cần thông báo, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Quảng Bình - Quảng Ngãi thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc vào khu neo đậu. Các tàu, thuyền nhỏ, các khu vực nuôi trồng thủy sản ven bờ càng không được chủ quan bởi dông, lốc xoáy bất ngờ có thể xảy ra.
Về an toàn và vận hành hồ chứa, các địa phương cần kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Việc tích nước hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát và trong thời gian tới cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình điều hành liên hồ chứa. Đặc biệt, chủ hồ khi thông báo xả lũ phải có địa chỉ cụ thể để người dân chịu ảnh hưởng đều nắm được thông tin.