Longform: Hồi sinh biển Cửa Đại - kỳ 1: NUÔI BÃI

Môi trường - Ngày đăng : 16:54, 14/07/2024

(TN&MT) - Cùng là hình ảnh của những chiếc tàu hút cát, nhưng nếu nằm ở một khúc sông nào đó sâu trong nội địa thì có thể thấy được sự lo lắng, bất an của người dân trước nguy cơ xói lở bờ sông, mất đất, mất ruộng vườn do khai thác cát, sỏi vô tội vạ...
bai1-cover.jpg

Cùng là hình ảnh của những chiếc tàu hút cát, nhưng nếu nằm ở một khúc sông nào đó sâu trong nội địa thì có thể thấy được sự lo lắng, bất an của người dân trước nguy cơ xói lở bờ sông, mất đất, mất ruộng vườn do khai thác cát, sỏi vô tội vạ. Nhưng nếu ở biển, cụ thể là biển Cửa Đại, thì lại là niềm hi vọng, sự tin tưởng rằng những chiếc tàu hút kia sẽ góp phần giúp cho biển được bồi đắp, được hồi sinh sau những tháng ngày bị xâm thực nặng nề.

sub1(1).jpg

Dạo bước trên chính bãi biển trước đây từng được xếp hạng là 1 trong 25 bờ biển đẹp nhất châu Á, tôi bất giác với suy nghĩ vừa rồi. Sở dĩ "trước đây", trong hơn thập niên qua, Cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã đứng trước nguy cơ biến mất vì nạn xâm thực, xói lở nặng nề. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở này là do tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, sự thiếu hụt và mất cân bằng trong chuyển động bùn cát từ lưu vực sông Thu Bồn, do tác động của con người (xả rác, hoạt động xây dựng),... Theo Báo cáo Đánh giá diễn biến đường bờ và xu thế bồi - xói khu vực bờ biển Cửa Đại - Hội An (đăng trên Tạp chí Khí tượng thủy văn), bờ biển Cửa Đại đã mất 112ha diện tích đất sau 5 năm (2016 - 2021). Giai đoạn 2016 - 2017, khoảng 36% chiều dài đường bờ tại khu vực nghiên cứu bị xói lở, con số này tăng lên 95% trong giai đoạn 2017 - 2018.

2(1).jpg
Những bãi cát được hồi sinh nhờ nuôi bãi và hệ thống kè ngầm giảm sóng
7.jpg
Biển trở lại, du khách trở lại và hi vọng của người dân về bãi biển xinh đẹp của quê hương cũng dần trở lại

Còn với người dân địa phương, trong nhiều năm trước, bờ biển xói lở diễn ra nghiêm trọng, nhiều đoạn ăn sâu cả trăm mét, đặc biệt vào mùa đông, bờ biển xói lở tỷ lệ thuận với cường độ của sóng biển. Trước diễn biến xói lở ngày càng tiêu cực, đe dọa mất đất, mất nhà cửa, tính mạng của người dân cũng như sự tồn vong của nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng, các dự án chống xói lở cấp bách đã được Quảng Nam triển khai nhằm cứu lấy bờ biển. Nhiều giải pháp đã được thực hiện như kè bê tông cốt thép mái nghiêng, kè mềm túi địa kỹ thuật, kè bằng túi Geotube. Rồi các doanh nghiệp du lịch cũng tự cứu lấy dự án của mình bằng cách đầu tư xây kè cứng, kè mềm, rọ đá, mỏ hàn, cọc tre để bảo vệ các công trình bên trong.

Tuy vậy, do đầu tư thiếu đồng bộ và cũng chưa "hóa giải" được nguyên nhân căn cơ của xói lở bờ biển nên những nỗ lực trên chưa thật sự phát huy hiệu quả. Biển Cửa Đại nhìn từ trên cao, vẫn còn đấy sự "lồi lõm" của bờ biển. Lồi ở những vị trí được đầu tư kè cứng, rọ đá bởi các dự án khu du lịch - lõm ở khu vực lân cận các khu du lịch, nơi bị ảnh hưởng bởi sóng biển với cường độ mạnh hơn. Và thế là, đất vẫn cứ lùi, biển vẫn cứ lấn.

Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, nếu xây dựng đồng bộ một tuyến kè đá, khớp nối với các tuyến kè của những khu du lịch, thì chỉ mới thực hiện được mục tiêu giữ đất, ngăn cản xói lở. Còn mặc nhiên, bãi biển tươi đẹp vốn có trước đây khó có thể phục hồi. Giải pháp bảo vệ công trình bằng kè cứng cũng chỉ là giải pháp cục bộ, đẩy sự xói lở từ nơi này sang nơi kia. Sau cùng, phương án tối ưu được lựa chọn là sử dụng đê ngầm giảm sóng, đổ cát nuôi bãi để giải quyết sự mất cân bằng cục bộ và cải thiện dòng chuyển động cát tự nhiên.

sub2(1).jpg

Sau nhiều hội thảo và các công trình nghiên cứu, sự thiếu hụt và mất cân bằng trong chuyển động bùn cát từ thượng lưu sông Vu Gia - Thu Bồn gây nên suy giảm khối lượng trầm tích cho đường bờ được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xói lở bờ biển. Từ căn cơ đó, giải pháp đổ cát nuôi bãi, bù đắp lượng cát thiếu hụt được lựa chọn để chống xói lở biển Cửa Đại.

Thuận thiên, thân thiện với môi trường để chống xói lở biển Cửa Đại là giải pháp mà tỉnh Quảng Nam đang hướng đến. Ngoài đổ cát nuôi bãi để giải quyết mất cân bằng cục bộ thì giải pháp cải thiện dòng chuyển động cát tự nhiên cũng đồng thời được đề ra. Theo định hướng, tuyến luồng dọc bờ trái biển Cửa Đại có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy đưa bùn cát về phía Bắc, giúp tăng lượng bồi tụ cho bờ biển đã bị xói lở trước đó.

8.jpg
Giải pháp nuôi bãi phát huy hiệu quả trong nỗ lực cứu lấy Cửa Đại
1.jpg
Bình minh trên bãi biển Cửa Đại


Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nuôi bãi sẽ giải quyết được sự thiếu hụt cơ bản trong nguồn cung trầm tích vốn là nguyên nhân sâu xa của xói lở bờ. Nuôi bãi sẽ giúp tái tạo và duy trì các bãi biển, là cách tốt nhất và tự nhiên nhất để giảm năng lượng sóng, bảo vệ đường bờ biển, đồng thời phục hồi những bãi biển vốn đã mất do xói lở trước đó, tạo ra giá trị lớn cho phát triển kinh tế. Vậy nuôi bãi như thế nào?

Thời gian qua, hình ảnh về những chiếc tàu hút hoạt động trên biển Cửa Đại có lẽ không còn xa lạ với người dân địa phương. Nhiệm vụ "cao cả" của những chiếc tàu hút này là tôn tạo, đưa cát vào nuôi bãi, từ đó lượng cát được trực tiếp bù đắp vào những nơi xói lở, cùng với chế độ sóng, dòng chảy tự nhiên sẽ phân bổ đều cát trên toàn khu vực, dần tạo ra những bãi biển - đây được xem là giải pháp mềm, thân thiện với môi trường.

Còn theo cách giải thích của người dân địa phương thì "họ" đang hút chỗ này, đắp chỗ kia. Ông Năm, người dân TP. Hội An, trong hơn 10 năm qua vẫn thường xuyên tản bộ vào mỗi sáng trên bãi biển Cửa Đại, một trong những người từng chứng kiến cảnh tượng bờ biển bị xâm thực nặng nề, và cũng là người chứng kiến bãi biển dần được hồi sinh sau những nỗ lực của chính quyền suốt thời gian qua. Người đàn ông năm nay đã ngoài sáu mươi, nước da ngăm đen đặc trưng của người miền biển, ngắm nhìn chiếc tàu hút đang thổi cát vào bãi với ánh mắt tràn đầy hi vọng. Thấy tôi có vẻ quan tâm, ông Năm vui vẻ giải thích, mắt vẫn không thôi hướng về tàu hút, rồi tiếp tục hướng ánh mắt ra phía xa xăm, nơi những cỗ máy đang xếp đá làm kè.

Chuyện trò với tôi, ông Năm nói, ông hài lòng với giải pháp cứu biển đang được triển khai này. Ông cho rằng việc bồi bãi bằng cách đẩy cát trực tiếp vào nơi bị xói lở, kết hợp với kè ngầm làm giảm sóng đã giúp cho một số đoạn bờ không còn bị xói lở như trước đây. Ngược lại, cát được bồi tụ, dần tạo thành những bãi tắm. Biển trở lại, du khách trở lại, kinh tế của bà con gắn với du lịch biển cũng dần trở lại.

Đằng xa kia, khi mặt trời đã dần thoát qua khỏi bóng của đảo Cù Lao Chàm, nắng vàng lướt trên mặt nước, còn bờ cát trắng mịn vẫn đang chứa chất câu chuyện của người bản xứ kể tôi nghe. Câu chuyện kể lúc vui, lúc buồn của người dân về cảnh lúc thăng, lúc trầm của biển. Nhưng có lẽ, vui nhất hiện tại đối với ông Năm cũng như người dân nơi đây là đất đai "máu thịt" đã có hi vọng thoát được cảnh giằng xé của sóng.

Biển quê được giữ, đất quê được bồi, chính tôi cũng bồi hồi với câu chuyện tôi vừa nghe kể! Và rằng, chúng ta, suốt thời gian qua, đã lấy đi rất nhiều của thiên nhiên, để đến khi thiên nhiên giận dữ, ta vẫn đinh ninh rằng giải pháp cứng hóa, bê tông hóa sẽ đủ để chặn đứng cơn giận dữ ấy. Nhưng đến một lúc, phải hiểu rằng chúng ta đâu thể chống lại thiên nhiên bằng những cách như vậy, bởi vì có thiên nhiên mới có chúng ta.

Vậy nên, những giải pháp thuận thiên, thân thiện với môi trường như giải pháp đang được áp dụng để chống xói lở biển Cửa Đại, và mang lại hiệu quả bước đầu, phải chăng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ và hướng đến nhiều hơn?!


Bài, ảnh:
Lê Quốc Duy
Địa chỉ: phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng

Trình bày: TÙNG QUÂN

footer.jpg

Bài: Đông Duy - Trình bày: Tùng Quân