Thế giới

Ứng phó với bão cát và bụi: WMO kêu gọi tăng cường cảnh giác trước biến đổi khí hậu

Mai Đan 14/07/2024 - 11:03

(TN&MT) - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa cho biết, mức độ bụi trên toàn thế giới giảm nhẹ vào năm 2023, nhưng chúng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình dài hạn ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mỗi năm, khoảng 2.000 triệu tấn bụi xâm nhập vào bầu khí quyển, làm bầu trời tối đen và gây hại cho chất lượng không khí ở những khu vực cách xa hàng nghìn km, đồng thời ảnh hưởng đến các nền kinh tế, hệ sinh thái, thời tiết và khí hậu.

Điểm nóng bão cát và bụi

Năm 2023 chứng kiến ​​lượng phát thải bụi giảm nhẹ trên toàn cầu nhưng nồng độ lại tăng ở Trung Á, miền Bắc và miền Trung Trung Quốc và miền Nam Mông Cổ.

Cũng theo báo cáo, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 đã chứng kiến ​​13 đợt bụi lớn ở Đông Á, trong đó một sự kiện lớn vào tháng 3 đã tấn công Mông Cổ và miền Bắc Trung Quốc, cũng đến Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Một cơn lốc xoáy qua Mông Cổ và gió lạnh khiến tầm nhìn giảm xuống dưới 500 mét ở nhiều khu vực ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

image1170x530cropped-32-.jpg
Người dân địa phương đi bộ ở Nam Gondar thuộc vùng Amhara của Ethiopia. Ảnh: WMO/Abenezer Israel

Tại Sahel và Vịnh Guinea, gió Harmattan kéo theo bụi dai dẳng từ mùa thu năm 2023 đến mùa đông, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và tầm nhìn cũng như phía Tây Maghreb, Sahel và Vịnh Guinea vào tháng 12.

Khi công bố báo cáo bão cát và bụi hàng năm, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, việc quản lý môi trường kém đã khiến tình trạng bão cát xảy ra trở nên tồi tệ hơn. Bà nói: “Bằng chứng khoa học cho thấy các hoạt động của con người đang tác động đến bão cát và bụi. Đơn cử như nhiệt độ cao hơn, hạn hán và lượng nước bốc hơi cao hơn dẫn đến độ ẩm của đất thấp hơn. Những yếu tố này kết hợp với việc quản lý đất đai yếu kém đã tạo điều kiện cho bão cát và bụi xuất hiện nhiều hơn”.

Bão cát và bụi tác động đến sức khỏe, giao thông hàng không, vận tải mặt đất, đường bộ, đường sắt và ngành nông nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn cộng đồng và nền kinh tế.

Trước thực trạng trên, Tổng thư ký WMO Celeste Saulo kêu gọi tăng cường cảnh giác trước biến đổi khí hậu.

Thập kỷ chống bão cát và bụi

Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa thông qua nghị quyết "Thập kỷ chống bão cát và bụi của Liên hợp quốc", chọn giai đoạn 2025-2034 để tăng cường các nỗ lực chống lại hiện tượng này.

Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, được thông qua chỉ 2 ngày trước Ngày Quốc tế chống bão cát và bụi (12/7). Bằng việc thông qua nghị quyết theo cách thức không cần bỏ phiếu, 193 nước thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ dành thời gian 10 năm cho cuộc chiến chống lại những hiện tượng khí hậu tác động nghiêm trọng tới cuộc sống con người.

Trong “Thập kỷ chống bão cát và bụi của Liên hợp quốc", các chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ sẽ được triển khai, Liên Hợp Quốc cũng dần thúc đẩy những chiến lược quản lý đất đai và nông nghiệp bền vững, tăng cường an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc thực hiện các bước thích hợp nhằm lên kế hoạch và tổ chức hành động trong thập kỷ chống bão cát và bụi ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Theo Đại hội đồng Liên hợp quốc, chi phí của toàn bộ hoạt động, có thể phát sinh từ việc thực hiện nghị quyết, dựa trên đóng góp tự nguyện, trong đó có khu vực tư nhân.

Thay mặt Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc, đại biểu Uganda đã giới thiệu nội dung dự thảo nghị quyết, trong đó nhấn mạnh bão cát và bụi là vấn đề được quốc tế quan tâm. Hiện tượng này gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường, đang ngày càng đe dọa việc đạt được 11 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Do đó, nghị quyết nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để ngăn chặn và giảm thiểu tác động của bão cát và bụi.

Bão cát và bụi là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt có xu hướng ngày càng gia tăng về tần suất, đe dọa sức khỏe con người cũng như để lại nhiều tác động về kinh tế ở nhiều khu vực, trải dài từ miền Trung châu Phi đến miền Bắc Trung Quốc.

Các chuyên gia khí hậu của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, sự gia tăng của những cơn bão cát và bụi nghiêm trọng là kết quả của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra, bao gồm cả các hoạt động canh tác nông nghiệp không bền vững. Hoạt động của con người là tác nhân khiến các trận bão cát ngày càng trầm trọng do vậy tần suất và cường độ của hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể giảm bớt nhờ hành động của con người.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước thành viên đẩy mạnh hoạt động giáo dục cùng các hành động thiết thực khác để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc chống bão cát và bụi đối với sức khỏe cộng đồng, cải thiện việc sử dụng đất, tăng cường an ninh lương thực và sinh kế, thúc đẩy khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu.

Mai Đan