Kinh tế

Chuyển đổi số toàn diện giúp Thái Nguyên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thu Huyền 12/07/2024 - 14:31

Từ đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ chuyển đổi số theo hướng hiện đại, đem lại những giá trị mới, tiện ích thiết thực, cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiệu quả với 3 trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của người dân, tỉnh Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, từng bước giúp người dân hài lòng và hạnh phúc hơn. Cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, xây dựng chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Thái Nguyên hướng tới trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số.

1(1).jpg
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận cho Sở Thông tin và Truyền thông - đơn vị xếp thứ nhất trong Bảng xếp hạng Chỉ số DDCI năm 2023

Một trong những tín hiệu tích cực khi triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã tích hợp số hóa hồ sơ thủ tục hành chính ở cả 3 cấp; tích hợp 53/53 dịch vụ công thiết yếu đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kết quả cho thấy, đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 364.571 hồ sơ; đã xử lý 353.078 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,78%.

Thái Nguyên cũng tích cực đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, thương mại điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 389 nghìn tỷ đồng; hơn 505.000 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán thông qua dịch vụ Mobie Money; số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet/ATM/POS lũy kế đạt trên 6,6 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 66.000 tỷ đồng.

Chuyển đổi số cũng giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế. Toàn tỉnh có 205/213 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử; đã có 2.409.324 đơn thuốc liên thông lên hệ thống đơn thuốc quốc gia; Bệnh viện C Thái Nguyên đã triển khai sử dụng và lưu trữ Hồ sơ bệnh án điện tử (là bệnh viện thứ 82 trên cả nước thực hiện nội dung này). Hệ thống bảo tàng ảo quản lý hồ sơ số liệu, hiện vật phục vụ thăm quan, tìm hiểu, nghiên cứu của công chúng; vận hành và triển khai 4 phần mềm về ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Yếu tố then chốt là bảo đảm an toàn thông tin

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, là một trong những địa phương triển khai sớm các nền tảng số phục vụ quản lý nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, Thái Nguyên hiện nằm trong Top 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số và là một trong những tỉnh trên cả nước có tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh cao (đạt 90% tổng số dân trong toàn tỉnh).

2.jpg
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Phòng PA03, PA06 thực hiện tuyên truyền về các hoạt động lợi dụng dịch vụ bưu chính gửi các mặt hàng cấm

Trên địa bàn hiện có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS). Tỉnh đã triển khai đồng bộ việc gắn mã địa chỉ số cho đối tượng nhà ở cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh (đạt tỷ lệ 99,7%), góp phần hình thành cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, mạng lưới Internet và mạng di động phủ rộng trên toàn địa bàn, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số.

Phát huy kết quả đã đạt được, Sở Thông tin và Truyền thông xác định nhiệm vụ đặt ra 6 tháng cuối năm 2024, trọng tâm là tiếp tục phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục bám sát các mục tiêu, quan điểm, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác chuyển đổi số, nhằm mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể về công tác chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội; hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về kỹ năng số nhằm giúp người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như tiếp cận các nền tảng số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Từ ngày 1/1/2024 - 30/6/2024, Trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh Thái Nguyên (SOC) đã phát hiện, ngăn chặn trên 2 triệu IP thực hiện rà quét trái phép. Loại bỏ 115.692, chặn và xử lý 505 thư chứa mã độc. Giám sát cảnh báo trên các máy tính cá nhân của CBCCVC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh: Phát hiện, loại bỏ mã độc trên 1233 máy tính; phát hiện 1.491 lỗ hổng phần mềm...

Thu Huyền