Thế giới

Châu Á mở rộng quy mô đầu tư xanh

Lan Chi 12/07/2024 - 14:15

(TN&MT) - Hội nghị Liên hợp quốc tế về thương mại và phát triển (UNCTAD) vừa công bố báo cáo Đầu tư Thế giới nêu rõ sự gia tăng đáng kể về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, trong đó đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và chuyển dịch xanh có mức tăng trưởng đáng kể.

Theo báo cáo, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á là nơi tọa lạc của 60% “siêu dự án” trên thế giới. Trong năm 2023, các nền kinh tế này đã chứng kiến mức tăng 44% về giá trị của các thông báo đầu tư mới. Châu lục này - dẫn đầu là Đông Á và Đông Nam Á, tiếp tục là khu vực nhận vốn FDI lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% dòng vốn toàn cầu.

responsive_big_webp_8g0abo60b3en_nhhcdptrxhe-2lgk9zowrejensyxne(1).jpg
Tridha Tripathi (ngoài cùng bên phải) là kỹ thuật viên năng lượng mặt trời đến từ Madhya Pradesh, Ấn Độ, đang hướng dẫn các đồng nghiệp cách lắp đặt pin mặt trời

Báo cáo cho biết, Trung Quốc và Đặc khu hành chính Hồng Kông (SAR – Trung Quốc) tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực tính theo tổng nguồn vốn FDI, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản và Singapore.

Đáng chú ý, số lượng dự án trong các lĩnh vực xanh được công bố đã tăng 30% lên 1.225 dự án với giá trị tăng 54%, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông và viễn thông. Bên cạnh đó, báo cáo chỉ rõ, vào năm ngoái, đầu tư của khu vực tư nhân nhằm mục đích chuyển đổi nền kinh tế xanh ở Đông Nam Á đã tăng lên 6,3 tỷ USD - tăng 20% so với 5,2 tỷ USD của năm 2022.

Trong thời gian gần đây, Đông Nam Á đã chứng kiến một số thay đổi tích cực. Chẳng hạn, các quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ sự sẵn sàng và quan tâm nhiều hơn đến việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, các bên liên quan đã bắt đầu đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn về tín dụng carbon để giải quyết những lo ngại về tính liêm chính, mở đường thúc đẩy thị trường carbon để tăng quy mô đầu tư vào một số trong 13 lĩnh vực được đề xuất, như bảo tồn thiên nhiên và cải thiện các hoạt động nông nghiệp.

Một số nước đã bắt đầu phát triển các tiêu chuẩn quốc gia riêng biệt về cấp tín chỉ carbon. Tuy nhiên, ông Dale Hardcastle, cố vấn kinh tế nhấn mạnh, điều quan trọng là phải làm cho các tiêu chuẩn quốc gia này phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Sau 2 năm sụt giảm liên tiếp (2021 - 2022) của đầu tư xanh vào khu vực này, ông Hardcastle nhận định, sự đảo ngược dòng vốn là do sự xuất hiện của tài chính đổi mới, cũng như sự quan tâm nhiều hơn của các công ty đối với các cơ hội năng lượng xanh trong khu vực. Ông cũng cho rằng, mối quan tâm mới đối với xe điện cũng như nhận thức ngày càng tăng về nhu cầu giải quyết vấn đề tiêu thụ điện năng của các trung tâm dữ liệu là những yếu tố khác góp phần vào sự gia tăng vốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Để đẩy nhanh tốc độ khử carbon, báo cáo cho biết khu vực này có 13 cơ hội đầu tư có thể tạo thêm 150 tỷ USD doanh thu hàng năm đến năm 2030 và cũng giảm 1.000 tấn khí thải carbon, trải rộng trên các lĩnh vực từ nông nghiệp đến bất động sản, bao gồm các ý tưởng như nông nghiệp tái tạo, năng lượng mặt trời và năng lượng gió quy mô tiện ích, cũng như xe điện và cơ sở hạ tầng sạc.

Trước đó, các chính phủ trong khu vực đã cam kết cắt giảm 32% lượng khí thải vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu quốc gia - được gọi là đóng góp do quốc gia tự quyết định. Điều này đồng nghĩa rằng phải cắt giảm 2,4 giga tấn khí thải carbon từ mức dự báo là 7,3 giga tấn khí thải vào năm 2030.

Nhằm mở rộng quy mô đầu tư xanh vào các nước châu Á đang phát triển, UNCTAD cũng đưa ra một số đề xuất. Theo đó, các chính phủ cần ưu tiên đầu tư xanh vào các lĩnh vực có lợi thế chiến lược hoặc những nơi có nhu cầu trước mắt để tối đa hóa tác động. UNCTAD cho rằng các nước cần phát triển thị trường carbon trong nước và thống nhất các tiêu chuẩn trong khu vực, song song với việc mở rộng hợp tác về cơ sở hạ tầng lưới điện và năng lượng tái tạo xuyên biên giới.

Lan Chi