Thiết kế khu thể dục thể thao sinh thái, thân thiện môi trường
(TN&MT) - Trước thách thức của biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường, quy hoạch, thiết kế khu thể dục thể thao (TDTT) tại Việt Nam theo xu thế sinh thái, thân thiện môi trường là yêu cầu không thể xem nhẹ.
Khu TDTT - Điểm nhấn của đô thị
Trong quy hoạch đô thị, khu TDTT là khu vực chức năng mang tính chất đặc thù, chuyên biệt, đòi hỏi các ý tưởng thiết kế và chỉ tiêu xây dựng riêng với động lực chủ đạo là phục vụ hoạt động thi đấu và đào tạo thể dục thể thao. Tuy nhiên, bối cảnh và xu thế chung cũng đồng thời đặt ra yêu cầu phát triển các khu chức năng đô thị theo hướng sinh thái. Đây được xem là giải pháp chung bao trùm trong mục tiêu phát triển bền vững mà thể thao cũng là ngành nghề không ngoại lệ.
Hoạt động TDTT ra đời cùng với sự ra đời của xã hội loài người, dưới sự tác động của môi trường và mối quan hệ cộng đồng, đòi hỏi phải đấu tranh sinh tồn vì cuộc sống như đi, đứng, chạy, nhảy... Thi đấu của các lực sĩ đã trở thành một bộ phận của nghi thức tôn giáo từ những kỳ Olympic thời cổ đại Hy Lạp. Đi cùng với nó là sự ra đời của các khu TDTT như đấu trường Olympic hay Colloseum thời La Mã và Hy Lạp cổ đại.
Trong giai đoạn hiện tại, khu TDTT là một trong những chức năng quan trọng trong cơ cấu không gian đô thị hiện đại. Từ các khu thể thao trong đơn vị ở, đến các khu phức hợp thi đấu tập luyện, làng vận động viên... đã góp phần xây dựng nên hình ảnh hiện đại của xã hội, là điểm nhấn của đô thị. Các khu phức hợp TDTT nổi tiếng như Wembley (Anh), Nou Camp (Tây Ban Nha), Bắc Kinh (Trung Quốc), Olympiastadion Munich (Đức)... là hình mẫu trên thế giới về việc thiết kế khu TDTT, đồng thời cũng là biểu tượng cho đô thị, phản ánh các thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội cũng như thành tựu khoa học kỹ thuật, là một bộ phận quan trọng tạo nên một môi trường đô thị lành mạnh và đáng sống.
Các lý thuyết phát triển bền vững khu TDTT trên thế giới
KTS Đan Mạch Jan Gehl với tác phẩm “Cuộc sống giữa các tòa nhà” (2011) lập luận rằng “khả năng sống được” hay “thành phố sôi động” của một đô thị được quyết định bởi chất lượng không gian công cộng. Trong tác phẩm “Thành phố dành cho con người” năm 2010 của Gehl, thành phần của thành phố đáng sống dựa trên bốn tiêu chí chính: an toàn thành phố, sự sống động, tính bền vững với các không gian xanh giảm tiêu thụ năng lượng và sức khỏe thành phố. Bầu không khí lành mạnh và lợi ích xã hội được tạo ra bởi các sự kiện thể thao sẽ hỗ trợ thêm khả năng đáng sống của đô thị. Coalter (2005) cũng đồng ý rằng, các khu thể thao trong đô thị có tiềm năng lớn nhất trong việc mang lại lợi ích xã hội là sức khỏe, giáo dục, vốn xã hội, giảm tội phạm và phát triển kinh tế.
Peter Nicholas Pye đã kết hợp Coalter và Gehl để tạo ra khung khái niệm quy hoạch đô thị thể thao, phát triển lý thuyết giải thích quá trình quy hoạch đô thị hướng đến lợi ích xã hội, đồng thời dựa vào thiên nhiên ở các thành phố thể thao. Như vậy các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường đều được đảm bảo, đó cũng chính là ba chân kiềng của phát triển bền vững.
Phát triển khu TDTT sinh thái tại Việt Nam - xu thế không thể khác
Theo "Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" (Quyết định 1752/QĐ-TTg ngày 30/9/2013) và Dự thảo “Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, các công trình TDTT được phân cấp như sau:
Cấp xã, phường, thị trấn: Đối tượng sử dụng phục vụ là Học sinh phổ thông và các hoạt động TDTT, văn hóa của xã, cụm dân cư; Cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng cho đối tượng các VĐV, học sinh phổ thông, nơi tổ chức TDTT và các hoạt động văn hóa xã hội khác; Cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương là các VĐV, nơi tập luyện, tổ chức TDTT và các hoạt động văn hóa xã hội khác; Cấp vùng, đồng thời là công trình cấp tỉnh nhưng được mở rộng và có chất lượng cao hơn đối tượng sử dụng là các VĐV chuyên nghiệp, nơi tập luyện, tổ chức TDTT và các hoạt động văn hóa xã hội khác, ngoài ra còn hỗ trợ thi đấu cấp Quốc gia, quốc tế; Cấp quốc gia dùng cho tập luyện, thi đấu, đào tạo; Các ngành, các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong việc tập luyện, thi đấu.
Đất - nền tảng quy hoạch xây dựng khu TDTT sinh thái
Các thành phần đất xây dựng trong khu TDTT tại Việt Nam được xác định bao gồm: Đất xây dựng công trình TDTT là phần đất xây dựng các công trình TDTT đảm bảo quy định về mật độ xây dựng, chỉ giới xây dựng, khoảng lùi, giới hạn bố trí các công trình; Đất cây xanh mặt nước là thành phần quan trọng nhằm tạo không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa hỗ trợ các hoạt động thể thao, ngoài ra còn đảm bảo quy định về việc bố trí dải cây xanh cách ly ngăn ngừa khói bụi, trong đó, chỉ tiêu mật độ cây xanh tương ứng với Trung tâm TDTT tối thiểu 1,5 - 4,8m2 cây xanh/ người; sân thể thao tối thiểu là 0,2 - 0,4 m2 cây xanh/người. Hệ thống mặt nước được bố trí kết hợp cùng hệ thống cây xanh vừa tạo cảnh quan, vi khí hậu cho khu vực vừa phục vụ nhu cầu thoát nước cho khu TDTT;
Đất giao thông đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản: xác định các loại đường giao thông trong khu TDTT (đường nội bộ), hệ thống giao thông tiếp cận, kết nối khu TDTT với các khu chức năng khác trong đô thị; Đất hạ tầng kỹ thuật dành cho các công trình hạ tầng kỹ thuật: Hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, xử lý thu gom rác thải, thông tin liên lạc… Đất trung tâm công cộng sử dụng cho các công trình hành chính, quản lý điều hành, dịch vụ… phục vụ cho các hoạt động TDTT; Sân bãi TDTT phục vụ cho các hoạt động TDTT ngoài trời bao gồm sân tập luyện, sân thi đấu, đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật về sân bãi cho từng loại hình TDTT và Đất dự trữ phát triển phục vụ nhu cầu phát triển mở rộng khu trong tương lai.
Thời gian qua, mặc dù còn một số vướng mắc ở các khâu nguồn vốn, giải phóng mặt bằng các khu TDTT, tuy nhiên, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và địa phương, các khu vực dự án đang lần lượt hình thành theo tiến độ.
Nguyên tắc thiết kế khu TDTT sinh thái
Nguyên tắc thiết kế khu TDTT sinh thái, thân thiện với môi trường đặt ra yêu cầu một khu thể thao trong đô thị từ cấp quận huyện trở lên phải đảm bảo 2 chức năng, thi đấu thể thao thành tích cao và phục vụ thể thao cùng những hoạt động cộng đồng.
Khu TDTT sinh thái, thân thiện với môi trường là tương lai của thể thao, bắt đầu bằng thiết kế bền vững nhằm giảm mức tiêu thụ chất thải và ô nhiễm khí thải, tạo nên một cộng đồng khỏe mạnh hơn. Vì vậy, bên cạnh việc cung cấp cho vận động viên cũng như người dân trong khu vực một nơi an toàn để thi đấu thể thao, tập thể dục, thiết kế khu TDTT phù hợp cũng có thể giữ cho môi trường địa phương trong lành và khỏe mạnh hơn.
Đối với công trình kiến trúc khu TDTT, một số điều chỉnh có thể làm cho các tòa nhà thân thiện với môi trường hơn. Các biện pháp xây dựng bền vững và tập trung vào sinh thái sẽ giảm chi phí năng lượng, giảm chất thải xây dựng, thể hiện rằng cơ sở thể thao đã tập trung vào việc giữ cho cộng đồng khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, xem xét các lựa chọn năng lượng thay thế cũng là 1 trong các yêu cầu đặt ra. Tùy thuộc vào vị trí của khu, sẽ có thể có một số lựa chọn năng lượng khác ngoài nguồn điện truyền thống. Nguồn năng lượng tái tạo, mặc dù ban đầu đắt hơn, nhưng có thể giúp tiết kiệm một khoản tiền đáng kể về chi phí năng lượng theo thời gian. Một số loại nguồn năng lượng thay thế phổ biến là năng lượng mặt trời, gió. Với một diện tích rộng rãi và khí hậu nhiệt đới, năng lượng mặt trời là một lựa chọn bổ sung thích hợp cho khu TDTT tại Việt Nam.
Sử dụng năng lượng thay thế bao gồm cả việc sử dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên hợp lý. Thiết kế cửa sổ và cửa sổ để đón ánh sáng tự nhiên vào công trình thể thao không chỉ giúp giảm chi phí năng lượng mà còn có tác động tích cực đến tâm lý vận động viên cũng như khán giả.
Việc sử dụng vật liệu có nguồn gốc địa phương cũng góp phần làm giảm chi phí năng lượng để vận chuyển vật liệu xây dựng từ bên ngoài khu vực và lượng khí thải phát sinh từ hoạt động vận chuyển. Các nguồn địa phương cũng có nghĩa là số tiền đầu tư xây dựng và phát triển sẽ quay trở lại cộng đồng địa phương. Lựa chọn sử dụng vật liệu địa phương trong công trình xây dựng sẽ giúp tạo việc làm tại địa phương và thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Các module tiền chế đúc sẵn cũng có thể làm giảm thời gian xây dựng tổng thể, linh hoạt trong chuyển đổi chức năng, làm nên một khu phức hợp thể thao bền vững.
Tiết kiệm nước là yêu cầu không thể thiếu. Tiết kiệm nước và năng lượng tiêu thụ bằng cách sử dụng các hệ thống tái tạo như thu gom và tái sử dụng nước mưa, dùng nước xám tưới cây và rửa đường.
Cùng với đó là các yếu tố đảm bảo an toàn cộng đồng. Với đặc thù là nơi tập trung mật độ người cao trong một thời gian ngắn, vì vậy, cần thiết nghiên cứu thực hiện các thiết kế để giảm thiểu rủi ro về an toàn cho khán giả và nhân viên.
Khu TDTT thực chất tích hợp nhiều hoạt động, là “một địa điểm dành cho mọi thứ”. Nó chứa trong mình nhiều hoạt động chung - riêng, thu nhận phong phú đầu vào và cũng sinh ra một lwọng lớn chất thải. Việc thu gom rác và tái chế tái tại chỗ cũng có thể làm giảm đáng kể lwọng chất thải thải ra môi trường đô thị xung quanh, đảm bảo tính sinh thái, thân thiện môi trường. Hơn thế, các tiêu chí thiết kế đều phải hướng đến việc phục vụ cộng đồng nhằm góp phần tạo lập một môi trường đáng sống trong đô thị hiện đại.
*Tác giả: Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - Bộ Xây dựng