Môi trường

Doanh nghiệp cùng hành động hướng tới phát triển bền vững

Nguyễn Quỳnh 11/07/2024 21:01

Chiều 11/7, tại Audi Charging Lounge TP. HCM đã diễn ra Toạ đàm "Doanh nghiệp và phát triển bền vững” với sự tham gia của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia chính sách, các nhà nghiên cứu và các cá nhân ủng hộ phát triển bền vững.

ba-nguyen-tran-opening-speech-1.jpg
Bà Trần Thảo Nguyên, nhà sáng lập PDA & Partners phát biểu chào mừng các đại biểu tham gia buổi Tọa đàm

Tọa đàm là một phần quan trọng của chuỗi hoạt động của sự kiện "Việt Nam hướng đến tương lai bền vững” được khởi xướng và tổ chức bởi LifeNex và PDA & Partners, với sự tư vấn, đồng hành và tham dự từ: Báo Tài nguyên & Môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường, Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Lãnh sự quán các nước tại TP. HCM, Green Media Hub, Six Senses Con Dao, Audi Vietnam, VietVision, Bloomberg Businessweek, Vietsuccess, Luxuo, Storii.

Sự kiện này nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách của việc ứng dụng những quy chuẩn hoạt động và vận hành bền vững vào môi trường kinh doanh của Việt Nam, làm nổi bật vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc giải quyết các thách thức môi trường và thúc đẩy tăng trưởng có trách nhiệm.

Theo Ban tổ chức, trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và bất bình đẳng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của thực hành kinh doanh bền vững. Để tuân thủ các quy định toàn cầu về giảm phát thải, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng các chiến lược xanh như một lợi thế cạnh tranh và triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.

Toạ đàm "Doanh nghiệp và phát triển bền vững" tập trung vào các chủ đề chính, bao gồm kinh doanh tích cực với thiên nhiên, sản xuất có trách nhiệm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quản trị hiệu quả.

Kinh tế tích cực với thiên nhiên

Tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Thu Hiền đến từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã giới thiệu khái niệm “kinh tế tích cực” với thiên nhiên và thảo luận về vai trò của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi toàn cầu này, nhấn mạnh các hành động cụ thể của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo bà Hiền, cứ 1 đồng đầu tư vào bảo tồn và phục hồi thiên nhiên dẫn đến thu được ít nhất được 9 đồng lợi ích. Cơ hội kinh doanh bằng cách sử dụng thiên nhiên làm cơ sở hạ tầng có thể đạt 160 tỷ USD và tạo ra 4 triệu việc làm vào năm 2030.

tha-rua-bien-six-senses-con-dao.jpg
Hoạt động thả rùa biển tại Six Senses Côn Đảo

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Minh Tâm, CEO khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo chia sẻ mô hình kinh doanh xanh bảo vệ di sản thiên nhiên của Việt Nam. Theo đó, khu nghỉ dưỡng này được thiết kế và xây dựng hòa quyện vào thiên nhiên, hạn chế tối đa việc tác động vào thiên nhiên. Trong quá trình hoạt động hạn chế tối đa việc sử dụng điều hòa, vật liệu nhựa nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, nhận thấy nhiều nguy cơ tác động tiêu cực tới loài rùa biển, từ 2018 đến nay Six Senses Côn Đảo đã giúp ươm tạo, chăm sóc 27.000 con rùa biển trước khi thả ra môi trường biển. Không chỉ vậy, khu nghỉ dưỡng này còn giúp du khách, nhất là các bạn trẻ cùng trải nghiệm quá trình chăm sóc, ươm tạo rùa biển hay cùng tham gia thu gom rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển.

“Chính nhờ xác định ngay từ đầu mục tiêu phát triển bền vững, đối xử tốt với môi trường, hướng tới thiên nhiên nên bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng nhận được nhiều lợi ích, trái ngọt vì lựa chọn đúng đắn này” – vị CEO của Six Senses Côn Đảo khẳng định.

ban-tron.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận

Doanh nghiệp hành động hướng tới phát triển bền vững

Tại phiên thảo luận với chủ đề “Doanh nghiệp Phát triển bền vững - Góc nhìn thực tiễn”, các đại biểu đã tham gia thảo luận về các ví dụ thực tiễn. Trong đó, nhấn mạnh cơ hội và thách thức trong việc thúc đẩy chuyển đổi kinh doanh xanh và bền vững thông qua phân tích chính sách và nghiên cứu trường hợp thực tế.

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED): hiện nay các doanh nghiệp đã nắm khá rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, mới nhất là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta cũng có khá nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững.

“Quan trọng nhất lúc này, các doanh nghiệp đã thực sự đã quan tâm và sẵn sàng hành động để phát triển bền vững chưa. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải có cái nhìn rộng hơn, tầm nhìn dài hạn hơn, chủ động hơn nữa trong tư duy và hành động” – PGS.TS Nguyễn Hồng Quân khuyến cáo.

Bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam ( đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay được Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền tái chế bao bì) cho biết: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam được thành lập từ 2019 gồm các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống, bán lẻ, bao bì, tái chế. Đa số các thành viên là các tập đoàn đa quốc gia đã thực thi quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) ở các quốc gia khác, họ nhận thấy đây là xu thế tất yếu và sẽ sớm áp dụng ở Việt Nam.

Từ năm 2022, trước khi EPR có hiệu lực, dù Nhà nước không yêu cầu, nhưng nhận thấy trách nhiệm của nhà sản xuất đối bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp đã tự nguyện đóng góp tài chính, phối hợp, ủy quyền PRO Việt Nam tổ chức thu gom, tái chế các bao bì sản phẩm đã qua sử dụng. Cụ thể, năm 2022, PRO Việt Nam đã tổ chức thu gom, tái chế được 3.500 tấn bao bì; 2023 là 14.000 tấn. Theo kế hoạch, năm 2024, PRO Việt Nam sẽ tổ chức thu gom, tái chế 70.000 tấn bao bì.

Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Cổ phần tái chế nhựa Duy Tân thông tin: Hiện nay Nhà máy tái chế nhựa của công ty đạt tiêu chuẩn “3 không" trong quá trình sản xuất: không rác thải - không khí thải - không nước thải. Năm 2023, Nhà máy đã tái chế được 2,3 tỷ chai nhựa, năm 2024 dự kiến sẽ tái chế 5 tỷ chai nhựa và đang hành trình hướng tới nhà máy tái chế có quy mô tầm cỡ thế giới. Hiện tại, sản phẩm nhựa tái chế của Công ty đang được xuất khẩu tới các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu.

Tuy nhiên, để có thể theo đuổi mục tiêu và sớm thành công trong quá trình phát triển bền vững, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách và có nhiều hơn chính sách hỗ trợ nữa.

dien-gia-tham-gia-hoi-thao.jpg
Các đại biểu khách mời chụp ảnh kỉ niệm sau khi kết thúc Tọa đàm

Sự kiện “Việt Nam hướng tới tương lai bền vững” sẽ kéo dài liên tục từ 11 đến hết ngày 14/7/2024 với nhiều hoạt động, nhằm tạo điều kiện để các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng quan hệ đối tác, cùng đóng góp vào hành trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Đây là cầu nối kết nối các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, học giả và những người ủng hộ bền vững, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi các thực tiễn tốt nhất để thúc đẩy chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam.

Nguyễn Quỳnh