Kinh tế

Thách thức lớn, cơ hội cao trong tiến trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam

Ngọc Châu - Nguyễn Hiền 10/07/2024 - 16:30

Sáng ngày 10/7/2024, tại Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero với chủ đề “Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam”, các chuyên gia kinh tế, năng lượng và doanh nghiệp đã cùng chia sẻ, thảo luận, đánh giá rõ hơn các xu hướng, thách thức, kinh nghiệm cũng như cơ hội, tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

img_0310.jpeg

Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) phối hợp cùng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức. Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện các đại sứ quán, các tổ chức xúc tiến thương mại; các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng và phát triển bền vững cùng gần 200 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính. Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn. Tuy vậy, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng do xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

Theo Hiệp hội năng lượng, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ US/năm), nhưng thực hiện 3 năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ US/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ US/năm) là thách thức lớn.

Các chuyên gia năng lượng cũng đánh giá, hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời và gió); vận hành khó khăn (thiếu nguồn linh hoạt, hệ thống lưu trữ năng lượng), thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi; vướng mắc khi thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG… Trong khi đó, công nghệ - nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải như công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức, giá thành cao…

“Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới NetZero” với mục tiêu hội tụ các bên liên quan cùng cập nhật, chia sẻ thảo luận, qua đó tiếp tục nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch của các quốc gia trên thế giới, làm cơ sở tham khảo cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.

Diễn đàn gồm 2 phiên tham luận và thảo luận, nội dung xoay quanh việc thực thi Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tổng hợp và phân tích quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam từ chủ trương tới thực tiễn; kế hoạch triển khai JETP nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng phân tích những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong việc chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời thảo luận về những cơ hội cũng như những thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển nguồn năng lượng mới của Việt Nam trong thời gian tới.

Diễn đàn cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới.

Ngọc Châu - Nguyễn Hiền