Kinh tế

Bắc Giang: Nỗ lực phát triển kinh tế nông nghiệp hài hòa với công nghiệp, dịch vụ

Phạm Minh 08/07/2024 - 18:22

(TN&MT) - Sáng 07/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh sau khi đi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Tân Yên.

1720341841158_toan-canh.png
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang).

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Gấu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Khai thác lợi thế vị trí địa lý phát triển nông nghiệp

Bắc Giang là tỉnh nằm ở vùng trung du - miền núi phía Bắc, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Nổi tiếng với những sản phẩm như vải thiều, bưởi, cam, cây dược liệu,... nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những năm gần đây, Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục ở mức cao, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt khoảng 14%; 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 14,14%, đứng đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế hiện đạt khoảng 181,9 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 12 cả nước.

Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã quyết liệt triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản. Ngành nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng 4 năm liên tiếp, giá trị sản xuất/1 ha đất nông nghiệp đạt 138 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,63%. Tỉnh hình thành 02 trục sản phẩm với 56 nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với mã vùng trồng và số hóa vùng sản xuất...

1720342156882_pct-pich-phat-bieu.png
Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo về tình hình KT- XH, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh thời gian qua. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích khẳng định, hiện nay, dư địa phát triển nông nghiệp của tỉnh còn rất lớn; tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều thay đổi, nhanh nhạy tiếp cận khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, một số sản phẩm nông sản như vải thiều thường xuyên gặp tình trạng mất mùa, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Công tác bảo quản, chế biến các sản phẩm sau thu hoạch vẫn kém phát triển nên giá trị gia tăng không cao. Hiện sản phẩm nông sản của tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô; chi phí đầu vào sản xuất cao, khả năng cạnh tranh của nhiều nông sản còn thấp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn...

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, Bắc Giang xác định phát triển nông nghiệp một cách hài hòa với công nghiệp, dịch vụ là định hướng chiến lược trong thời gian tới.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, hài hòa với phát triển công nghiệp và dịch vụ

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Gấu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, hiện nay, Bắc Giang đang chuyển mình trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của khu vực miền Bắc. Song trong quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT - XH, tỉnh chưa bao giờ xem nhẹ lĩnh vực nông nghiệp, coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; phát triển công nghiệp đi đôi với phát triển nông nghiệp.

Tỉnh tận dụng cơ hội phát huy tốt lợi thế đặc thù về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng trung du, miền núi, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn ngày một phát triển hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp.

1720342231304_bt-phat-bieu-1-.png
Ông Nguyễn Văn Gấu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang).

Ông Nguyễn Văn Gấu, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang mong muốn Bộ trưởng và các Vụ, đơn vị của Bộ quan tâm xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh; luôn đồng hành, quan tâm, hướng dẫn, phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia để địa phương có thêm nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, Bắc Giang tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như:

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Hỗ trợ nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả.

Phát triển sản xuất hàng hóa: Tỉnh khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với thị trường, theo hướng an toàn, chất lượng cao. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Tăng cường liên kết sản xuất: Tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Phát triển thị trường nông sản: Tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tăng cường quảng bá thương hiệu nông sản của tỉnh ra thị trường trong nước và quốc tế.

Bắc Giang xác định phát triển nông nghiệp cần kết hợp hài hòa với phát triển công nghiệp và dịch vụ. Tỉnh sẽ tập trung vào một số giải pháp như:

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản: Tỉnh thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp: Tỉnh phát triển du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Đào tạo nguồn nhân lực: Tỉnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

1720342280569_bt-kl.png
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Giang).

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, định hướng phát triển KT - XH của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới cần đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những năm gần đây tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước; song để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tỉnh cần hiểu rõ giá trị của nông nghiệp đối với phát triển KT- XH của địa phương.

Với những định hướng và giải pháp cụ thể, Bắc Giang tin tưởng sẽ phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân và xây dựng tỉnh trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp xanh, bền vững./.

Phạm Minh