Phát triển Xanh

Giảm lệ phí trước bạ ô tô: Cần xem xét mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính

Trung Nguyên 06/07/2024 - 16:40

(TN&MT) - Sau 3 lần giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính vừa gửi công văn xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về việc giảm lệ phí lần thứ 4, dự kiến bắt đầu từ tháng 8/2024.

Mặc dù có tác động nhất định đến tăng doanh số cho các nhà bán hàng và giảm lượng tồn kho cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, việc giảm phí có thể sẽ phải cân nhắc đến lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải, và mục tiêu giảm phát thải chung của Việt Nam để đáp ứng nghĩa vụ quốc tế theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

anh-minh-hoa.jpg
Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.

Trong Công văn số 6506/BTC-CST gửi các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan xin ý kiến về việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào thời điểm từ 1/8/2024 cho đến hết ngày 31/1/2025, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Tổng công suất của các nhà máy ô tô tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/năm.

Tuy nhiên, thị trường ô tô các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô 3 tháng đầu năm 2024 (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) sụt giảm đáng kể. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng các doanh nghiệp thuộc VAMA đạt 58.165 xe, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.

“Để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết”- Bộ Tài chính đánh giá.

3 lần giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước:

Lần 1: Nghị định số 70/2020, hiệu lực từ ngày 28/6 - 31/12/2020.

Lần 2: nghị định số 103/2022, hiệu lực từ ngày 1/12/2021 – 31/5/2022.

Lần 3: Nghị định số 41/2023, hiệu lực từ ngày 1/7 – 31/12/2023.

Quy định áp dụng với cả dòng xe chạy xăng, dầu và xe chạy năng lượng sạch như mẫu xe điện hay xe Hybrid. Tuy nhiên, tâm lý khách hàng hầu hết vẫn dồn vào các dòng xe chạy xăng, dầu mẫu cũ, với mức giảm giá sâu hơn tới vài trăm triệu đồng. Điều này thể hiện rõ qua kết quả doanh số tại thị trường Việt Nam năm 2023, nhóm 10 xe bán chạy nhất không có mẫu xe “xanh” nào. Như vậy, chính sách kích cầu của Nhà nước có khả năng đi ngược với định hướng "xanh hóa" phương tiện giao thông được đề ra trước đó.

Giao thông vận tải là một trong những ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Trong chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê tan của ngành giao thông vận tải, giai đoạn 2022 – 2030, Chính phủ đã đề ra lộ trình thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, mở rộng phối trộn 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Từ năm 2031 trở đi sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.

4157.jpg

Để triển khai “Kế hoạch hành động chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch” và “Lộ trình dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng xăng, dầu”, từ năm 2023, Bộ Giao thông vận tải đã khởi động cập nhật, sửa đổi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cùng với cập nhật, sửa đổi quy định quản lý phương tiện, thiết bị chuyên dùng. Bộ cũng dự kiến hoàn thành Kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông điện quốc gia trong năm 2025, đồng thời, xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ.

Ưu tiên cao nhất hiện nay là phải thực hiện được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Theo kịch bản phát triển thông thường (BAU), ngành giao thông vận tải sẽ phát thải 64,3 triệu tấn vào năm 2025 và 88,1 triệu tấn vào năm 2030. Một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đề ra trong NDC là giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới.

Đến năm 2030, tất cả các loại xe ô tô bán ra đạt tiêu chuẩn thiêu thụ nhiên liệu: Ô tô con (<1400cc) đạt 4,7 lít/100 km, ô tô trung bình (1400-2000cc) đạt 5,3 lít/100 km; ô tô lớn (>2000cc) đạt 6,4 lít/100 km

Bên cạnh đó, chính Bộ Tài chính cũng có băn khoăn về tác động đến các quy tắc thương mại quốc tế, khi tạo lợi thế cho ô tô sản xuất trong nước. Theo đó, chính sách thuế, phí, lệ phí hiện được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng đến thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO và các FTA.

Cơ quan này cho biết: Trong giai đoạn áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 70 năm 2020, Nghị định số 103 năm 2021, Nghị định số 41 năm 2023, các nước có lợi ích xuất khẩu ô tô vào Việt Nam đã phản ánh việc Việt Nam đối xử không công bằng giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu, vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Các đối tác này nhiều lần đề xuất gặp lãnh đạo Bộ Tài chính để trao đổi về nội dung này.

29.jpg
Việc thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ có thể gây bất lợi cho Việt Nam trước các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam là thành viên

Đồng thời, chính sách này cũng đã được Ban Thư ký WTO đề cập đến trong quá trình rà soát chính sách thương mại WTO lần hai của Việt Nam năm 2021. Qua đánh giá tổng kết của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chưa có quốc gia nào khởi kiện đối với việc áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu từ quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.

Mặc dù biện pháp này nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vượt qua khó khăn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời và có thời gian áp dụng ngắn. Đối với việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính thẳng thắn nhìn nhận biện pháp này được đánh giá là vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau, không thuộc trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư và một quốc gia. Theo đó, khả năng khiếu nại, khiếu kiện là có thể xảy ra nhưng được đánh giá là không quá căng thẳng. Việc khiếu kiện chỉ nhằm mục đích chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng, nhằm tránh sự phân biệt giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.

Trên thực tế, từ đầu năm 2024 khi chính sách giảm lệ phí trước bạ lần thứ 3 hết hiệu lực, các chương trình để kích cầu người tiêu dùng như tiếp tục tăng 50% lệ phí trước bạ, giảm giá hấp dẫn thậm chí giảm giá sâu chưa từng có, bốc thăm trúng thưởng, hỗ trợ lãi suất vay, tặng bảo hiểm, tặng phụ kiện đi kèm… vẫn được triển khai cùng với đà gảm của lãi suất ngân hàng. Điều này cho thấy thị trường có thể tự điều tiết để tăng sức mua. Đại lý cũng có thể rút bớt các chính sách khuyến mãi ngay lúc Nhà nước áp dụng giảm phí trước bạ nên khách hàng khi mua xe cần tìm hiểu rõ và cân nhắc.

Điều quan trọng hiện nay, theo các chuyên gia, đó là cần đưa ra các chính sách măng tính dài hơi để thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển bền vững, thay vì chỉ giảm phí vài tháng như hiện nay và đối mặt với nhiều rủi ro cho cả nền kinh tế.

Trong khuyến nghị đưa ra tại “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không”, Bộ Công Thương Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch nhấn mạnh, phương tiện giao thông điện (BEV) nên được xem xét đưa ngay vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, trở thành ưu tiên trong quyết định mua sắm của các hộ gia đình. Điện khí hóa các phân khúc vận tải hạng nhẹ mang lại hiệu quả về mặt chi phí tối ưu nhất trong tất cả các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính ngành giao thông vận tải.

Trung Nguyên