Bình Thuận: Chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất đai
(TN&MT) - Sở TN&MT Bình Thuận cho biết vừa có văn bản số 119 /BC-STNMT báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình lấn, chiếm đất đai và đưa ra hướng xử lý.
Theo Sở TN&MT Bình Thuận, tình hình lấn, chiếm đất công, đất các dự án, chiếm quỹ đất đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng tương đối phức tạp, mặc dù đã có nhiều biện pháp hữu hiệu nhưng tình hình vẫn chưa được khắc phục, ngăn chặn triệt để.
Trên địa bàn TP Phan Thiết, tình trạng lấn chiếm đất có dấu hiệu băng nhóm. Điển hình, lấn chiếm đất rừng tại Khu vực đất do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Phú quản lý với 3 trường hợp.
Khu vực ao rau muống tại khu phố 3 và khu vực dọc tuyến đường Hùng Vương tại khu phố 14, phường Phú Thủy, có tình trạng lấn, chiếm đất do Nhà nước quản lý và xây dựng trái phép.
Khu du lịch Đồi Cát bay thuộc khu phố 5, phường Mũi Né đã tổ chức cưỡng chế các hộ dân thuê đất giao lại đất cho Ban quản lý Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né quản lý. Khu đất đã giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quản lý tại phường Phú Hài, nhưng hiện nay ông Võ Văn Dũng đang lấn, chiếm diện tích 6.053,1m2, UBND TP Phan Thiết đã chỉ đạo UBND phường Phú Hài hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý để tổ chức thực hiện tháo dỡ, di dời tài sản.
Tại địa bàn huyện Tuy phong, tình hình lấn, chiếm đất đai xảy ra tập trung tại khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo với tổng diện tích khoảng 41,76 ha, tuyến đường ven biển Chí Công - Bình Thạnh và các trường hợp lấn, chiếm đất rừng tại xã Bình Thạnh; xây dựng trạm dừng nghỉ trái phép trên tuyến đường dẫn vào cao tốc, xã Vĩnh Hảo; lấn, chiếm trái phép khoảng 6 ha đất trong Khu công nghiệp Tuy Phong từ những năm 2015- 2016.
Còn huyện Bắc Bình, tình hình lấn, chiếm đất đai nổi lên như: Khu vực 513 ha và khu vực Hồ Cà Giây thuộc xã Bình An; khu vực dọc tuyến đường Hòa Thắng đi Hòa Phú thuộc xã Hòa Thắng; khu vực Núi Dây – xã Sông Bình, Khu vực Dốc Đá và dọc tuyến đường QL28B – xã Phan Lâm, Phan Sơn; đất đã được nhà nước giao cho các dự án nông lâm kết hợp, đặc biệt là diện tích đất nhà nước cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận thuê trồng rừng tại khu vực Sông Bình, Sông Lũy, Hòa Thắng, Lương Sơn và Bình An.
Địa bàn huyện Hàm Tân tình hình lấn, chiếm đất do địa phương quản lý với diện tích 23,82 ha (tại thị trấn Tân Minh, diện tích đất 3,74 ha; thị trấn Tân Nghĩa, với diện tích 0,19 ha; xã Tân Thắng, với diện tích 9,93 ha; UBND xã Thắng Hải, với diện tích 0,11 ha và 2 vị trí thuộc UBND xã Sơn Mỹ, với diện tích 9,85 ha).
Bên cạnh đó trên địa bàn còn xảy ra tình tình trạng lấn, chiếm đất đai tại nhiều Dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách: Công ty CP Đồng Phú Hưng tại xã Thắng Hải, với diện tích 3,49 ha; Công ty Cổ phần Trung Thủy - Bình Thuận, với diện tích 1,58 ha.
Trên địa bàn huyện Tánh Linh có 6 trường hợp lấn, chiếm đất trái phép, với tổng diện tích là 29.482 m2 (trường hợp chiếm đất rừng sản xuất thuộc tiểu khu 384 (RSX) lâm phận Trại giam Thủ Đức quản lý tại xã Suối Kiết diện tích 21.408 m2; 02 trường hợp chiếm đất bằng chưa sử dụng do UBND xã quản lý diện tích 7.099 m2; chiếm đất khu dân cư do UBND thị trấn quản lý diện tích 685 m2; lấn đất suối do UBND thị trấn quản lý diện tích 204 m2; 01 trường hợp lấn đất giáo dục do UBND xã quản lý diện tích 86 m2).
Theo Sở TN&MT Bình Thuận, những năm qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường, xã đã khẩn trương xử lý các trường hợp lấn, chiếm đất nói trên.
Đồng thời, chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và lập hồ sơ xử lý nghiêm các hộ gia đình, cá nhân có dấu hiệu vi phạm ngay khi mới phát hiện, kiên quyết không để phát sinh các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép mới.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn một số huyện không phát sinh trường hợp lấn, chiếm đất mới; từng bước giải quyết các nhu cầu bức xúc, chính đáng, đúng quy định pháp luật về đất đai của tổ chức, cá nhân và nhân dân; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.