Bình Thuận tăng cường quản lý đất đai: Từng bước lập lại trật tự
(TN&MT) - UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo hàng loạt các phương án chấn chỉnh tình trạng vi phạm đất đai, tăng cường công tác quản lý khai thác hiệu quả đất đai trên địa bàn, từng bước lập lại kỷ cương, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp.
Tăng cường quản lý
Những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về đất đai. Theo đó, đất đai được quản lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật; nhiều giải pháp quản lý đất đai được tăng cường, áp dụng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về đất đai được thực hiện nghiêm, đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lấn chiếm đất phức tạp, có quy mô, diện tích lớn, có dấu hiệu băng nhóm. Hiện, một số địa bàn đã không phát sinh trường hợp lấn, chiếm đất mới, từng bước giải quyết các nhu cầu chính đáng của người dân về đất đai.
Mới đây, ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chủ trì họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh nghe báo cáo tình hình lấn chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, đại diện địa phương cho biết, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai vẫn còn một số hạn chế trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, một số chủ đất, chủ đầu tư được giao đất hoặc cho thuê đất sử dụng chưa hiệu quả; một số cán bộ cơ sở còn buông lỏng quản lý; một số vị trí của địa phương vẫn còn thiếu, yếu, chưa đáp ứng yêu cầu…
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho biết, đất đai là lĩnh vực phức tạp, tình trạng vi phạm về đất đai trên địa bàn đã diễn ra nhiều năm, cần sự nỗ lực quyết tâm cao của cơ quan chức năng và nhân dân trong tỉnh. Ông Đoàn Anh Dũng ghi nhận thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm, nỗ lực trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, bước đầu đã kéo giảm tình hình phức tạp về lấn chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng lấn chiếm đất công, đất dự án vẫn diễn ra. Việc tranh chấp đất đai giữa người dân và chủ đầu tư các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, kéo dài… ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và mục tiêu phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, việc quản lý đất công chưa chặt chẽ, nhất là quỹ đất công ích, vẫn còn tình trạng người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp…
Lập lại trật tự kỷ cương
Để đẩy lùi, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 6/10/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đất đai. Đặc biệt, kiên quyết xử lý các vi phạm về lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; địa phương nào buông lỏng quản lý, chậm phát hiện và không kiên quyết xử lý các vi phạm, để xảy ra vi phạm phức tạp, hậu quả lớn thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tổng kiểm tra tình trạng đất đai, rà soát, phân loại đất, chủ sở hữu quyền sử dụng đất... để kiểm soát chặt, nhất là các khu đất sạch, đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân về đất đai. Xây dựng kế hoạch sử dụng đất cụ thể và giao chỉ tiêu thực hiện. Phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các dự án chậm triển khai, kiên quyết thu hồi đối với trường hợp đủ điều kiện thu hồi đất và thu hồi chủ trương đầu tư.
Ông Trần Nguyên Lộc - Giám đốc Sở TN&MT Bình Thuận cho biết, các cơ quan ban ngành chức năng cần giải quyết dứt điểm các dự án tồn tại kéo dài do vướng giải phóng mặt bằng, đề xuất phương án hỗ trợ tái định cư các công trình, dự án. Hằng năm, đánh giá nhu cầu đất tái định cư cho các dự án để chủ động đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất và triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn. Tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất theo quy định.
“Cán bộ, người làm công tác quản lý phải chủ động nắm chắc tình hình sử dụng đất trên địa bàn. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời ngay từ khi mới phát sinh. Kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng nhà ở, các công trình trái phép trên đất nông nghiệp hoặc hình thành các khu dân cư tự phát trái quy định, lấn chiếm đất đai của các dự án. Phải từng bước lập lại kỷ cương, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp”, ông Lộc khẳng định.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Chỉ thị 04/CT - UBND về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý rừng và đất rừng.
UBND Bình Thuận cũng chỉ đạo các cơ quan kiểm lâm, công an, Sở TN&MT và UBND cấp xã kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và đất lâm nghiệp. Chỉ đạo Phòng TN&MT tham mưu, hướng dẫn các đơn vị chủ rừng trong việc xác lập hồ sơ, xử lý các hành vi lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật và sử dụng đất rừng sai mục đích; Chỉ đạo Sở NN&PTNT đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao, hiện đại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng. Thống kê hiện trạng, nguồn gốc sử dụng đất của từng thửa đất hiện do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chồng lấn đất rừng.