Tài nguyên nước

Triển khai Luật Tài nguyên nước 2023: "Hạ tầng" đã sẵn sàng

Nguyễn Thủy 04/07/2024 - 07:36

(TN&MT) - Ngày 1/7/2024, Luật Tài nguyên nước 2023 bắt đầu được thực thi. Để những chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, những người xây dựng Luật và các cơ quan quản lý đã nỗ lực quyết tâm và chuẩn bị một cách kỹ càng các vấn đề liên quan, đặc biệt là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật đi kèm.

Hành lang pháp lý vững chắc

Để Luật đi vào cuộc sống, trong tháng 5/2024, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị định hướng dẫn quan trọng. Đó là Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

song-cuu-long.jpg
Bộ TN&MT tập trung nguồn lực triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước

Đồng thời, Bộ TN&MT ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất).

Với những cố gắng, nỗ lực rất lớn của Bộ TN&MT, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng, là một trong những hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng. Luật Tài nguyên nước 2023, 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, 3 Thông tư sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong thực tế và cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.

Để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, Bộ TN&MT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ TN&MT đã có 3 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản có hiệu lực thi hành.

Tích cực tổ chức tuyên truyền Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành

Quy định, hướng dẫn đã có song để Luật thực sự được áp dụng, tạo ra thay đổi mạnh mẽ trong công tác quản lý tài nguyên nước, nỗ lực của một Bộ, ngành vẫn chưa đủ mà cần sự chung tay của toàn xã hội.

Để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, ngay từ sớm, Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023. Trong đó, hoạt động đầu tiên để tổ chức thi hành phải kể đến là việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách mới của Luật và văn bản hướng dẫn thi hành đến các cán bộ quản lý, người dân, doanh nghiệp nhằm đưa các quy định của pháp luật tài nguyên nước mới đi vào cuộc sống. Song song với đó, là tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ quy định, pháp luật về tài nguyên nước.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước

Để triển khai Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, thời gian tới, bên cạnh công tác tổ chức tổ chức tuyên truyền Luật thì việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước cũng được Bộ TN&MT chú trọng triển khai song song với lộ trình cụ thể.

Theo đó, để phù hợp với Luật mới, Bộ TN&MT phân công các đơn vị rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về tài nguyên nước; quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tài nguyên nước để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước; Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Tài nguyên nước. Trong đó, Bộ giao Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước trình Bộ xem xét, trình Chính phủ trong tháng 12/2024.

Đối với việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật, Bộ TN&MT giao Cục Quản lý lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài nguyên nước quốc gia trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025; Xây dựng, trình Bộ trưởng công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; xây dựng, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đối với các nguồn nước mặt liên tỉnh, nguồn nước mặt liên quốc gia, nguồn nước dưới đất; xây dựng nhiệm vụ thực hiện điều tra, lập danh mục nguồn nước dưới đất trình Bộ trưởng phê duyệt; Điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi trên các lưu vực sông trình Bộ trưởng phê duyệt; Rà soát danh mục các đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa và tổ chức xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện việc kiểm kê tài nguyên nước theo quy định; Điều tra, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt liên tỉnh trình Bộ trưởng phê duyệt; Đôn đốc và tổ chức thẩm định, trình Bộ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước đối với các công trình thủy lợi đã khai thác và xây dựng trước ngày 1/1/2013 mà chưa có giấy phép trước ngày Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành; Thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ TN&MT.

Với việc ban hành và chuẩn bị kỹ lưỡng thực thi các quy định mới của Luật Tài nguyên nước 2023 cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành, chắc chắn thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực góp phần nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia bảo đảm an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.

Nguyễn Thủy