Doanh nghiệp đầu tư cho khí hậu là khoản đầu tư xanh
(TN&MT) - Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hành động bảo vệ khí hậu là việc làm "từ thiện", thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội. Vì vậy, quá trình triển khai họ không tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn báo cáo cần thiết bởi nó sẽ trở thành chi phí của doanh nghiệp. Trong khi thực tế, đây hoàn toàn có thể trở thành một khoản đầu tư và được thu hồi thông qua tín chỉ các-bon.
Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khi chia sẻ về trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, vì sao có thể nói chuyển đổi xanh đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp?
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Thế giới đang đối mặt với ba cuộc khủng hoảng hành tinh toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Trong suốt 50 năm vừa qua, các thể chế thương mại toàn cầu, các quốc gia trên thế giới đang thiết kế để hình thành quy định thương mại và đầu tư toàn cầu theo định hướng giảm phát thải khí nhà kính.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam cùng với nhiều quốc gia khác đã cam kết sẽ phát thải ròng bằng “0” (Net Zero). Kể từ đây, cộng đồng toàn cầu đã đưa ra rất nhiều quy định mới để thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu.
Từ tháng 1/2023, Liên minh châu Âu (EU) chính thức bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố Báo cáo phát triển bền vững. Từ tháng 6/2024, các nước châu Âu sẽ phải lồng ghép Báo cáo phát triển bền vững vào trong luật để tổ chức triển khai thực hiện. Chính vì vậy, các định chế tài chính toàn cầu cung cấp tài chính khí hậu, tài chính xanh cũng đã đưa ra yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải đưa ra Báo cáo phát triển bền vững, trong đó có Báo cáo kinh tế - xã hội - môi trường (ESG). Đáp ứng điều kiện này, Việt Nam mới có thể xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài.
Từ tháng 10/2023, 4 mặt hàng của Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM), bao gồm thép, xi măng, nhôm, phân bón. Khi xuất khẩu những hàng hóa này vào EU, doanh nghiệp phải có báo cáo phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Từ tháng 1/2026, nếu không đáp ứng mức phát thải theo yêu cầu của EU thì doanh nghiệp sẽ phải mua tín chỉ các-bon để bù trừ theo giá của thị trường các-bon EU. Mức giá cao nhất hiện nay khoảng 100 - 150 EUR/tín chỉ. Thị phần các mặt hàng này của Việt Nam không đáng kể và các nước trên thế giới sẵn sàng bỏ qua để bảo vệ thị trường của họ.
Sắp tới, từ 1/1/2025, tất cả các cái mặt hàng nông sản xuất khẩu sang châu Âu có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2020 sẽ không được thông quan. Mỹ cũng đã đưa ra Dự thảo về Luật Cạnh tranh và dự kiến áp dụng quy định tương tự CBAM ở châu Âu. Anh cũng đã thông qua quy định về CBAM riêng. Thời gian không còn và doanh nghiệp Việt phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững để có thể giữ thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
PV: Quy định trong nước về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định xuyên suốt tất cả yêu cầu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, trong đó có mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, gắn dán nhãn thân thiện môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, thu phí rác thải theo thải lượng. Bên cạnh đó, quy định về sử dụng các công cụ kinh tế và tiếp cận thị trường như chi trả dịch vụ hệ sinh thái, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, mua sắm xanh. Thực hiện các quy định này, doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị những thông tin cần thiết đưa vào báo cáo phát triển bền vững của mình.
Nếu không kịp tuân thủ, bất kỳ ngành hàng nào cũng có thể gặp phải trường hợp như ngành dệt may vào thời điểm cuối năm 2022. Khi đó, châu Âu đã đặt tiêu chuẩn xanh lên hàng đầu, chất lượng đứng thứ hai và giá đứng thứ ba. Ngay lập tức, doanh nghiệp dệt may Việt Nam mất đơn hàng, không hề có thời gian chuẩn bị.
Theo các định chế tài chính, rủi ro liên quan đến khí hậu được xếp hạng lớn nhất và ảnh hưởng trực tiếp đến việc doanh nghiệp có thể dừng sản xuất. Đặc điểm của Việt Nam là phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. So với các nước khác, ví dụ ở Bangladesh, họ có 180 doanh nghiệp dệt may thì Việt Nam có tới 3.000 doanh nghiệp. Thời gian qua, Bangladesh đã áp dụng tiêu chuẩn về xây dựng và phát thải đối với xí nghiệp sản xuất may ngang với Mỹ, sử dụng năng lượng mặt trời áp mái cho các nhà máy. Xuất khẩu dệt may của họ đã tăng 10% và xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm 10%. Điều đó cho thấy, việc chuyển đổi không phải chỉ là trách nhiệm về mặt xã hội, môi trường của doanh nghiệp, mà là chiến lược kinh doanh bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện để có thể tham gia thương mại và đầu tư toàn cầu.
PV: Thời gian chuyển đổi không nhiều trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn. “Cứu cánh” của doanh nghiệp ở đâu, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Hiện nay, các định chế tài chính quốc tế và các nước lớn trên thế giới đã thiết kế những khuôn khổ tài chính, khí hậu xanh để hỗ trợ các nước đang phát triển. Nếu chúng ta ghi nhận quá trình giảm phát thải các-bon từ trước, trong và sau dự án, có thể hình thành tín chỉ các-bon. Các công ty định giá quốc tế sẽ định giá theo chi phí bỏ ra và giá trị gia tăng, trong đó bao gồm cả trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong lĩnh vực giảm phát thải các-bon, cải thiện điều kiện sống của cư dân trong khu vực sản xuất... Giá trị đó sẽ được ghi nhận trong chất lượng của tín chỉ các-bon và nâng cao giá trị của doanh nghiệp và cái định chế tài chính toàn cầu.
Ở đây, giảm phát thải được coi là một khoản đầu tư chứ không phải chi phí. Doanh nghiệp cần lưu ý, phải thực hiện Báo cáo phát triển bền vững, Báo cáo ESG, Báo cáo giảm phát thải theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để kết quả được ghi nhận và chúng ta thu hồi tiền đầu tư dưới dạng là giá trị của tín chỉ các-bon.
Các tiêu chuẩn báo cáo quốc tế phổ biến hiện nay là Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI). Hai hệ thống tiêu chuẩn này còn đi kèm theo các báo cáo khác, như công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD)... Trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, báo cáo phát thải của doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn ISO 14065 và thực hiện báo cáo phát thải theo ISO 14064.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ khó khăn về mặt chi phí để tổ chức triển khai thực hiện, và rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, của các hiệp hội. Chúng ta phải “kết bè” để đi cùng nhau và giảm chi phí về mức tối thiểu nhất có thể. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức về cách thức hình thành, giao dịch tín chỉ các-bon. Có những quy định rất chặt chẽ vì mục tiêu cao nhất là phải giảm phát thải thực tế, cần “viết ra những gì sẽ làm, làm những gì đã viết và viết lại những gì đã làm” theo đúng tiêu chuẩn báo cáo toàn cầu.
Hành động vì khí hậu không phải từ thiện. Đó là một khoản đầu tư có thể thu hồi được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!