Tài nguyên

Khai thác, sử dụng cát biển hợp lý, hiệu quả: Phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển

Lan Chi 22/06/2024 21:16

(TN&MT) - Hiện nay, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu xây dựng đang tăng lên rất cao, gây ra tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các dự án giao thông trọng điểm. Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chia sẻ về những giải pháp khắc phục tình trạng này.

image00120221206095116.jpg
Cát biển đang được lựa chọn để sử dụng trong một số công trình giao thông

Các giải pháp này cũng góp phần đẩy mạnh hoạt động điều tra đánh giá tài nguyên cát biển, khai thác và sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, khai thác theo mô hình kinh tế tuần hoàn để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển, Cục Địa chất Việt Nam: Cần tiếp cận, chuyển giao công nghệ khai thác cát ngoài khơi

small_nguyen-tien-thanh-1-.jpg
Ông Nguyễn Tiến Thành, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển

Tiềm năng cát biển ngoài khơi ở Việt Nam vô cùng lớn nhưng chưa được đánh giá toàn diện. Bên cạnh những thuận lợi như: sự thống nhất về chủ trương của Đảng và Chính phủ, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và hỗ trợ nhiệt tình của các đối tác quốc tế, hiện Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn khai thác và bảo vệ môi trường; hiện trạng năng lực chưa đảm bảo; truyền thông còn hạn chế…

Để giải quyết những thách thức trên, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp cận, chuyển giao công nghệ khai thác cát ngoài khơi; công nghệ xử lý tuyển rửa cát biển làm vật liệu xây dựng; xây dựng quy định đánh giá tác động khai thác cát biển đến môi trường phù hợp quy định quốc tế; hoàn thiện và ban hành quy định quản lý về thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển; đẩy mạnh điều tra, đánh giá và khai thác tài nguyên cát biển ngoài khơi (lớn hơn 20m nước); đẩy mạnh truyền thông về sử dụng cát biển và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế.

Ông Sander Carpaij - Giám đốc Chương trình Quốc tế về Nước và Thích ứng Khí hậu, Chủ nhiệm Ban Hợp tác Việt Nam - Hà Lan về đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Tài nguyên Nước Hà Lan: Sử dụng cát ngoài khơi - giải pháp tối ưu

_mg_2580-1-.jpg
Ông Sander Carpaij - Giám đốc Chương trình Quốc tế về Nước và Thích ứng Khí hậu, Chủ nhiệm Ban Hợp tác Việt Nam - Hà Lan về đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Tài nguyên Nước Hà Lan

Trong những thập niên qua, Việt Nam có nhu cầu cao về tăng trưởng kinh tế và hướng tới phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, do đó nhu cầu sử dụng cát là vô cùng lớn.

Nhu cầu cát xây dựng ở Việt Nam sẽ tăng 200-250 triệu m³ trong năm 2030, trung bình Việt Nam cần thêm 525-575 triệu m³ cát san lấp mỗi năm và Việt Nam quyết tâm trở thành quốc gia mạnh về hàng hải vào năm 2030, cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm tăng nhu cầu cát bảo vệ bờ biển.

Có thể thấy, các nguồn cát truyền thống trên bờ như cát sông đang trở nên cạn kiệt do khai thác quá mức, và có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Chính sách khai thác cát bền vững cho Việt Nam là nhu cầu cấp thiết và cần có chính sách cho nguồn cát bổ sung một cách bền vững, trong đó sử dụng tài nguyên cát biển là giải pháp thay thế vô cùng khả thi và trọng tâm mà nền kinh tế biển xanh đang hướng tới.

Với kinh nghiệm khai thác cát ngoài khơi ở nhiều nước khác nhau, Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các thí điểm tổng quan với hoạch định khai thác cát biển, trong dài hạn đánh giá tác động môi trường tổng thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác động, xác định các chiến lược phù hợp, đưa giải pháp về phát triển tri thức cũng như thu thập dữ liệu mà các cơ quan chính phủ, cơ quan bộ ngành có thể hỗ trợ.

Ông Dirkjan van den Boom - Quản lý khu vực Châu Á, Tập đoàn Boskalis (Hà Lan): Đảm bảo việc khai thác cát không ảnh hưởng hệ sinh thái biển

Đường biển ở Hà Lan có những rủi ro như xói mòn, tác động của nước biển dâng từ bão lũ, các yếu tố khác và việc khai thác cát có những tác động tiêu cực đến môi trường và bờ biển. Chính vì vậy, cần có những điều kiện để giảm thiểu những tác hại đến môi trường biển.

Ở Hà Lan, để khai thác cát ngoài khơi, chúng tôi sẽ đưa ra các tiền điều kiện trước khi khai thác, như có chính sách, quy định về không gian rõ ràng và cũng có những nghiên cứu về địa chất, xác định sự xáo trộn của các tầng lớp khác nhau và đưa ra kịch bản khai thác cát được đánh giá một cách tổng thể.

_mg_2713-1-.jpg
Ông Dirkjan van den Boom - Quản lý khu vực Châu Á, Tập đoàn Boskalis (Hà Lan)

Để khai thác cát ngoài khơi, Việt Nam cần trang bị về công nghệ, đưa ra phân tích, khảo sát thực tế cũng như đưa ra yêu cầu khu vực khai thác, kế hoạch vận hành để đảm bảo việc khai thác không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Trong bối cảnh khai thác cát ở Việt Nam hiện nay có thể làm ảnh hưởng đến đáy biển, thay đổi về hình thái, xáo trộn chất lượng nước, mất sinh vật đáy biển, giảm năng suất của sinh thái cũng như giảm nguồn lợi thủy sản, Việt Nam cần thận trọng trong triển khai hoạt động khai thác cát.

Tập đoàn Boskalis đã có cơ hội phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam có những phương pháp tiếp cận theo từng bước một, từ giám sát cơ sở dữ liệu chính đến việc triển khai khảo sát, phân tích số liệu, chạy mô hình, sau đó đưa ra các kịch bản.

Đồng thời phối hợp hướng đến xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý biển và đường bờ biển, sau đó đưa ra kế hoạch sử dụng khai thác cát, các chính sách phù hợp để đảm bảo thực hiện việc đánh giá tác động môi trường trong quá trình khai thác cát.

Chúng tôi cũng đưa ra các kịch bản khác nhau trong tương lai, hậu quả đến đường bờ biển như thế nào, hệ sinh thái ra sao,… Trên cơ sở đó đánh giá tác động đến đường bờ biển, các hành động và nhu cầu để giảm thiểu ảnh hưởng của việc khai thác cát đến hệ sinh thái biển.

Ông Michiel van der Ruijt - Quản lý khu vực, Tập đoàn Van Oord (Hà Lan): Phương pháp thuận thiên làm giảm thiểu rủi ro trong khai thác cát

Cũng giống như Việt Nam, Hà Lan thường gặp các trường hợp sụt lún, xói lở vùng bờ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tuy nhiên, đối với việc khai thác cát ngoài khơi, Hà Lan đã có nhiều kinh nghiệm trong nhiều công trình.

_mg_2745-1-.jpg
Ông Michiel van der Ruijt - Quản lý khu vực, Tập đoàn Van Oord (Hà Lan)

Trong quá trình khai thác cát, nên có những biện pháp giảm thiểu khả năng gây xói lở, sụt lút ven bờ biển. Để thực hiện điều này, Tập đoàn Van Oord đã triển khai giải pháp cải tạo dựa vào tự nhiên và tận dụng nguồn lực từ thiên nhiên để có thể giải quyết các tác nhân dọc bờ biển như sử dụng cát xây dựng vùng kè tránh xói lở vùng bờ.

Lan Chi