Xã hội

Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường: Mở ra nhiều cơ hội cho tương lai

Tiến Trung 03/07/2024 - 20:54

Trong xu thế phát triển như hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác bảo vệ môi trường được xem là nhu cầu bức thiết, nhằm quản lý, xử lý tối đa những tác động xấu của môi trường đến sức khỏe con người. Từ đó, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ra đời đáp ứng tất cả những yêu cầu này.

Tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí đã đạt đến mức báo động, nguy hại tới sức khỏe người dân. Nguyên nhân của thực trạng này được cho là đến từ việc tập trung phát triển kinh tế xã hội nhưng chưa coi trọng công tác bảo vệ môi trường.

t98245.jpg
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường - Hướng tới một nền công nghệ xanh, kinh tế xanh

Ngành tiềm năng và nhiều cơ hội

Công nghệ kỹ thuật môi trường là ngành học nghiên cứu về công nghệ và kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, thu hồi, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải và xử lý nước thải, nước cấp, khí thải và chất thải rắn thông qua các biện pháp lý-hóa-sinh. Đồng thời chịu trách nhiệm phân tích chất lượng môi trường và đưa ra những giải pháp quản lý, góp phần bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững, cân bằng sinh thái.

t98246.jpg
Sinh viên tham gia kiến tập tại KCN Nam Cầu Kiền

Trong đó, các kiến thức và kinh nghiệp liên quan đến công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải và cấp nước, sự đồng bộ hóa các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng cao, đã mang giúp ngành này trở thành lĩnh vực được quan tâm và chú trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

t93359.jpg
Sinh viên được thực hành trong các phòng thí nghiệm hiện đại

Tại Việt Nam, ngành công nghệ kỹ thuật môi trường có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ở mức trên 15% do nhu cầu xử lý ô nhiễm và các thiết bị môi trường luôn cao trong điều kiện kinh tế tăng trưởng liên tục.

Mục tiêu đến năm 2025, phát triển ngành này trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần quan trọng vào cơ cấu phát triển ngành công nghiệp của đất nước. Trong giai đoạn 2020-2023, nhóm ngành môi trường sẽ là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất, đặc biệt đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

t98247.jpg
Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, toàn thành phố sẽ cần khoảng 10.800 lao động ngành công nghiệp môi trường/năm.

Những vị trí công việc trên thị trường lao động hiện nay dành cho các kỹ sư Kỹ thuật Môi trường là tại các công ty tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế về cấp thoát nước, xử lý nước, nước thải, chất thải và khí thải, cũng như các công ty thương mại về thiết bị kiểm soát ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, còn có thể làm việc tại các trung tâm, viện nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng.

t96921.jpg
Dự án sinh viên khởi nghiệp của Khoa Công nghệ Hóa, Đại học Công nghiệp Hà Nội đạt Giải Nhì - Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia năm 2024

Học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường ở đâu?

Trước những yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã mở chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường với chương trình đào tạo theo mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), nhằm giúp người học đáp ứng các yêu cầu của xã hội và các bên liên quan về kiến thức và kỹ năng.

Một trong những thế mạnh của Đại học Công nghiệp Hà Nội trong đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường là đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm thực tế, nhiệt tình và thân thiện. Đặc biệt, nhiều giảng viên có học hàm Giáo sư, Tiến sĩ được đào tạo từ các nước tiên tiến như Đức, Nga, Hàn Quốc,…

t98248.jpg
Nhiều câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa sôi nổi

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường được trang bị thiết bị học tập hiện đại nhất trong các cơ sở đào tạo công nghệ hóa hiện nay, trong đó, phòng phân tích và ứng dụng đạt chuẩn ISO 17025.

Trong quá trình học tập, sinh viên thường xuyên được thực hành, cọ xát với thực tế tại các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực môi trường như KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Công ty cấp nước sạch (Hải Dương), Công ty Vinacontrol, Asenco, Ecoba, và các viện nghiên cứu như Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường.

Việc kết hợp nhuần nhuyễn, cân bằng giữa kiến thức lý thuyết và thực hành đã tạo nên sự khác biệt trong hệ đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Điều này đã được minh chứng bằng những giải thưởng lớn, in dấu ấn trong các cuộc thi khởi nghiệp, kỳ thi olympic Hóa học toàn quốc cùng các kì thi nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ.

Đặc biệt, mỗi kỳ học, sinh viên còn có cơ hội nhận nhiều học bổng như học bổng từ chương trình liên kết của công ty Panasonic, học bổng KOVA, Nitori của Nhật Bản và các học bổng quốc tế khác như Bridgestone, Hyundai Alumina Vina, Honda.

Song song với việc học tập, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng xây dựng các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tình nguyện và các câu lạc bộ: sinh viên tình nguyện, truyền thông FCT Media, nghệ thuât SOC…

Do vậy, lựa chọn ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường tại Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ là nền tảng vững chắc để các bạn trẻ xây dựng sự nghiệp trong tương lai và góp phần tích cực vào sự phát triển xanh, hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội.

Tiến Trung