Cần Thơ: Thiên tai gây nhiều thiệt hại
(TN&MT) - Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS - PCTT & TKCN) TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến nay, các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và gây nhiều thiệt hại đối với người dân địa phương.
Cụ thể, trên địa bàn TP. Cần Thơ đã xảy ra tổng cộng 22 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch với chiều dài hơn 780m tại các quận, huyện như: Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ. Các vụ sạt lở cũng đã gây thiệt hại hoàn toàn và hư hỏng một phần 48 căn nhà, nhà kho của người dân, ước tổng thiệt hại gàn 14,9 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra 05 đợt mưa lớn kèm theo dông lốc tại các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt - tăng 3 đợt so với cùng kỳ năm 2023 - làm chết 01 người, làm sập và tốc mái 80 căn nhà của người dân, ước thiệt hại gần 1,3 tỉ đồng. Đặc biệt, vào chiều ngày 15/6/2024 tại địa bàn bàn 3 xã: Thạnh Phú, Thới Hưng, Đông Hiệp (huyện Cờ Đỏ) đã xuất hiện mưa đá, đây là lần đầu tiên ghi nhận mưa đá xuất hiện trên địa bàn thành phố.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PTDS - PCTT & TKCN TP. Cần Thơ đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của Thành phố kịp thời hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn; tổ chức căng dây, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở cảnh báo; tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế xây dựng, để vật liệu nặng để giảm tải cho bờ sông, kênh rạch; triển khai thực hiện các công trình, dự án nhằm góp phần hạn chế sạt lở, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân.
Theo Ban Chỉ huy PTDS -PCTT & TKCN TP. Cần Thơ, hiện đã bước vào thời điểm mùa mưa, tình trạng mưa lớn kèm theo dông lốc, sạt lở, triều cường sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, Ban Chỉ huy hiện đang bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương và TP. Cần Thơ trong việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “bốn tại chỗ” để huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và người dân trong phòng chống thiên tai; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng. chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về đất đai, nhà cửa…