Doanh nghiệp - doanh nhân

Petrovietnam: Tiên phong, trách nhiệm trong chuyển dịch năng lượng

Kông Nguyên 03/07/2024 - 17:10

“Quản trị biến động, tối đa giá trị, kết nối nguồn lực, đón đầu xu hướng, mở rộng quy mô, dịch chuyển mô hình, phát triển bền vững”... Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang nỗ lực với quyết tâm cao nhất hoàn thành sứ mệnh trong công cuộc chuyển dịch năng lượng, góp phần hiện thực hóa cam kết tại COP 26 của Việt Nam.

e3d30f074a0ee850b11f.jpg

Chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu

Không nằm ngoài quy luật thế giới, Chuyển dịch năng lượng (CDNL) đã, đang và sẽ tác động đến các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam. Theo xu hướng CDNL, yêu cầu về “sạch hóa” nguồn cung năng lượng sẽ dẫn tới sự giảm nhu cầu dầu thô và tăng nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên, đồng thời, tạo ra áp lực khiến ngành Dầu khí buộc phải áp dụng các giải pháp công nghệ để theo dõi, giảm thiểu lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình khai thác dầu khí.

ph3.jpg
Lãnh đạo Petrovietnam và PV GAS giới thiệu về chuỗi giá trị của Hydro xanh của Tập đoàn

Phát huy vai trò của doanh nghiệp dầu khí quốc gia, Petrovietnam phấn đấu đạt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20% vào năm 2030 và 25 - 30% vào năm 2045; Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; Năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ m3/năm 2030 và 15 tỷ m3/năm 2045...

Để thực hiện được các mục tiêu này, Petrovietnam đã và đang xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, trong đó chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng với một số nhiệm vụ, giải pháp chính như: Tăng cường triển khai công tác thăm dò khai thác và phát triển mỏ nhằm tận dụng được lợi thế về thời gian để tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch; Tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển liên kết bền vững, kết nối các lĩnh vực/đơn vị thành viên, tận dụng thế mạnh về năng lực, công nghệ và hạ tầng của Petrovietnam và các đơn vị thành viên để triển khai một cách hiệu quả các dự án chuyển dịch năng lượng, nâng cao nội lực Petrovietnam, phục vụ phát triển ngành năng lượng.

441c862b135fc768917deae7df2355ae.jpg
NMLD Dung Quất đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn về hydrogen

Petrovietnam định hướng giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí. Giai đoạn 2030 - 2045, Tập đoàn sẽ sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực và thế giới… Hiện, tại các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn về hydrogen. Hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng có kế hoạch thử nghiệm sử dụng hydrogen xanh thay thế một phần sản xuất amoniac.

Mới đây, tại Hội thảo Công nghệ lọc hóa dầu và nhiên liệu bền vững do Petrovietnam) và Honeywell UOP phối hợp tổ chức, Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Huyên nhấn mạnh, trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp chế biến dầu khí đang tập trung phát triển theo hướng ngày càng sạch hơn, bền vững và hiệu quả hơn với sự chuyển dịch dần sang hóa dầu, nhiên liệu bền vững, năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Đây là thách thức lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho các đơn vị thuộc lĩnh vực chế biến dầu khí của Petrovietnam chuyển mình và vươn lên mạnh mẽ, bắt kịp xu thế chung của thế giới.

hinh-2-3-jpg-5097-1660037525.jpg

Chuyển dịch năng lượng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta không ngừng học hỏi và luôn nhận thức đó là mục tiêu, là nhiệm vụ bắt buộc đối với Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng chủ lực của nền kinh tế.

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam

Quyết tâm chinh phục mục tiêu

Gần 50 năm qua, Petrovietnam đã xây dựng thành công chuỗi giá trị khép kín với 5 lĩnh vực hoạt động: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo; Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.

ffa6f1b466bac4e49dab.jpg
Kho LNG Thị Vải

Là tập đoàn kinh tế hoạt động đa lĩnh vực, Petrovietnam xác định trong tiến trình chuyển dịch năng lượng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đây cũng là cơ hội để mở rộng chuỗi giá trị các sản phẩm dầu khí của Petrovietnam. Qua đó, Petrovietnam có thể tăng tỷ trọng khí trong các hoạt động thăm dò, khai thác, sản xuất điện và chế biến hóa dầu, hóa chất; phát triển LNG; phát triển năng lượng tái tạo và tích hợp vào hoạt động sản xuất và kinh doanh của Petrovietnam; phát triển chuỗi giá trị hydrogen, ammonia, bao gồm sản xuất hydrogen, ammonia từ năng lượng tái tạo, tích hợp hydrogen, ammonia vào các hoạt động sản xuất điện và chế biến dầu khí, lưu trữ, vận chuyển và phân phối hydrogen, ammonia. Bên cạnh đó, Petrovietnam có thể tận dụng cơ hội để phát triển các trạm sạc, pin nhiên liệu, tận dụng lợi thế của cơ sở hạ tầng sẵn có tại các cửa hàng xăng dầu, liên kết các đơn vị sản xuất điện trong ngành để tích hợp vào chuỗi giá trị dầu khí; phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật năng lượng; phát triển công nghệ thu hồi, lưu trữ các-bon…

kan-2156-copy20231103152424.jpg
Petrovietnam và Equinor ký kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch

Chuyển dịch năng lượng với Petrovietnam không phải là xa xôi mà dự báo ngay nội tại và cũng là nhu cầu tự thân. Để chuẩn bị cho cuộc chuyển dịch này, năm 2019, Petrovietnam đã tiến hành đầu tư xây dựng Kho chứa LNG và đến tháng 7/2023, chuyến tàu LNG đầu tiên đã cập cảng Thị Vải. Cùng với đó, Petrovietnam đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và bền vững tại Việt Nam, hỗ trợ Petrovietnam đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh như việc Petrovietnam đã ký MOU với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2024. Petrovietnam và Equinor đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam. Quá trình hợp tác giữa Petrovietnam và Equinor cho thấy các giải pháp giảm phát thải các-bon như sản xuất hydrogen/amonia cũng như thu hồi và lưu trữ các-bon đóng vai trò quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. Vì vậy, Petrovietnam và Equinor đã quyết định mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, giảm phát thải các-bon.

Petrovietnam cũng đang tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị và quản lý doanh nghiệp, quản trị biến động, quản trị rủi ro, đảm bảo hoàn thành kế hoạch dài hạn gắn liền với mục tiêu và cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Ngoài ra, Petrovietnam cũng định hướng phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ là tiền đề cho việc sản xuất hydrogen xanh, bởi Tập đoàn có thể tận dụng cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân lực với hàng chục năm kinh nghiệp để phát triển ngành dầu khí biển.

f02edee0e1a426cda09193f27635717a.jpg

Chuyển dịch năng lượng và đổi mới công nghệ không chỉ là những yêu cầu bắt buộc, mà còn là những cơ hội cho các công ty dầu khí tồn tại và phát triển trong môi trường thay đổi và đầy thách thức ngày nay. Tin rằng với tầm nhìn, chiến lược dài hạn, cùng với các gói giải pháp, Petrovietnam có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững thông qua đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng, tiếp tục đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Kông Nguyên