Khoáng sản

Đổi mới để phù hợp thực tiễn

Mai Đan 02/07/2024 - 07:42

(TN&MT) - Xuất phát từ kết quả tổng kết, đánh giá 13 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010, bối cảnh hiện tại, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, cơ quan soạn thảo đã xác lập rõ các mục tiêu, quan điểm cũng như những điểm mới của Dự thảo Luật để phù hợp với thực tiễn.

Trước hết là quy định về điều tra cơ bản địa chất. Dự thảo Luật đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác gồm: điều tra, lập bản đồ không gian địa chất, bản đồ không gian lòng đất; tài nguyên địa nhiệt; tài nguyên địa chất tái tạo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.

10a.jpg
Khai thác tài nguyên khoáng sản tạo sự bền vững trong nền kinh tế

Điểm mới tiếp theo là phân nhóm khoáng sản. Trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Trong đó, khoáng sản nhóm I bao gồm khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; khoáng sản nhóm II bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa.

Khoáng sản nhóm III bao gồm các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; than bùn; khoáng sản nhóm IV bao gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Theo cơ quan soạn thảo, việc phân nhóm khoáng sản như Dự thảo Luật sẽ cho phép xác lập cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

Về tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện.

Theo đó, tiếp tục duy trì việc phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản như Luật hiện hành, Cụ thể, UBND cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm III, IV; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, II và III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I và II tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ TN&MT khoanh định và công bố.

Đồng thời, bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương và quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Dự thảo Luật còn có một số điểm mới khác như: bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không có quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện Phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Ngoài ra, công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng ngân sách Nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng; khoáng sản có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được phép khai thác hoặc khối lượng khoáng sản được phép thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển.

Về cải cách thủ tục hành chính, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có 23 thủ tục hành chính. Trong số này, 18 thủ tục được kế thừa từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản hiện hành, 5 thủ tục mới (bao gồm điều chỉnh giấy phép thăm dò; cấp lại giấy phép thăm dò; điều chỉnh giấy phép khai thác; cấp lại giấy phép khai thác; điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ) nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý và để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.

Các thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Ví dụ, đối với khoáng sản nhóm IV, thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, tổ chức cá nhân chỉ cần thực hiện thủ tục về đăng ký khai thác khoáng sản.

Mai Đan