Xã hội

Hậu Giang: Phát triển kinh tế đi đôi với BVMT bền vững

Lê Hùng (thực hiện) 29/06/2024 12:28

(TN&MT)- Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững và bước đầu đã đạt được một số kết quả nổi bật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.

a-ong-tuyen.jpg
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang

PV: Ông có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Hậu Giang là tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là các cơ sở y tế, giáo dục, quy mô nền kinh tế của tỉnh thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, sau 20 năm chia tách (2004), kinh tế tỉnh Hậu Giang đã phát triển mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước và khu vực. Riêng năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cũa tỉnh đạt 13,94%, vươn lên đứng đầu vùng ĐBSCL và thứ hai cả nước; thu nhập GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được kéo giảm. Nếu như vào thời điểm mới chia tách tỉnh (2004), tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Hậu Giang chiếm gần 24% trên tổng dân số toàn tỉnh thì theo rà soát sơ bộ đến đầu năm 2024 đã giảm xuống còn 3,29%, tương đương với 6.611 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

a2-mt-hg.jpg
Tỉnh Hậu Giang đã triển khai xây dựng các trạm quan trắc tự động liên tục nhằm nâng cao năng lực cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh

PV: Còn đối với công tác BVMT đã được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Hậu Giang cũng luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường (BVMT). Để thực hiện đúng quan điểm của tỉnh là vừa phát triển kinh tế gắn với công tác BVMT, trong thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trọng tâm là tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT và tăng cường nguồn lực cho BVMT thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT thuộc thẩm quyền của tỉnh; quy định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư vào khu công nghiệp, trong đó bao gồm tiêu chí về quản lý, BVMT; đồng thời triển khai thực hiện chương trình hành động về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2025; Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt tỉnh đã lập Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quy hoạch đề ra nhiều nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về BVMT gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Song song với đó, tỉnh Hậu Giang cũng luôn quan tâm, tăng cường nguồn lực, đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, đến nay đã có 6/8 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các doanh nghiệp có phát sinh nước thải xả ra môi trường tự đầu tư hệ thống xử lý đúng quy định; đồng thời tỉnh đã đầu tư 04 trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí, 05 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt và cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động, liên tục của doanh nghiệp truyền; triển khai hệ thống thu gom, xử lý nước thải TP. Vị Thanh công suất thiết kế 3.000 m3/ngày đêm; thực hiện dự án phát triển đô thị xanh thích ứng biến đổi khí hậu TP. Ngã Bảy, trong đó có hợp phần nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.800 m3/ngày đêm; đối với các dự án khu dân cư, thương mại, đô thị mới đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

a3-mt.jpg
Tỉnh Hậu Giang đang tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn góp phần BVMT, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh

PV: Thưa ông, để chủ động phòng ngừa các sự cố về môi trường góp phần giúp tỉnh Hậu Giang thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội bền vững, trong thời gian tới tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp gì?

Ông Trương Cảnh Tuyên:

Với quan điểm của Tỉnh là phát triển kinh tế không đánh đổi môi trường; phát triển kinh tế cũng phải gắn với BVMT, đảm bảo hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Để đạt được các mục tiêu này, trong thời gian tới các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân là chủ công ty, doanh nhiệp và cộng đồng dân cư cần tiếp tục quan tâm, chung tay, chung sức thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn trong công tác BVMT theo quy định của pháp luật; thực hiện có hiệu quả, thiết thực các nhiệm vụ, chương trình, đề án về BVMT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là thực hiện theo Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, trong công tác thu hút đầu tư vào khu công nghiệp phải đảm bảo phù hợp quy hoạch và các quy định về đầu tư, môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về BVMT, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về BVMT tại các doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường, phát sinh điểm nóng về môi trường.

Bên cạnh đó, Tỉnh Hậu Giang xác định nông nghiệp là một trong bốn khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh, do đó tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp qua đó góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giảm tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước và huy động các nguồn lực về BVMT; tiếp tục và có sự đổi mới trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý và BVMT trên địa bàn tỉnh;...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)