Thành phố Hòa Bình: Hiệu quả từ công tác giảm nghèo
Sau những năm nỗ lực thực hiện Chương trình MTQG về công tác giảm nghèo, kết quả đạt được trong công tác này của thành phố là rất đáng khích lệ. Các chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện hiệu quả góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo của thành phố. Để làm rõ những nội dung cơ bản của chương trình giảm nghèo của địa phương, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Hoàng Quốc Đại, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, xung quanh vấn đề này.
Pv: Xin ông cho biết những năm gần đây, trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, thành phố đã đề ra những quyết sách cụ thể nào, kết quả đạt được ra sao?
Ông Hoàng Quốc Đại: Với chức năng, nhiệm vụ là phòng chuyên môn phụ trách công tác giảm nghèo. Thời gian qua, công tác giảm nghèo được Cấp ủy, UBND Thành phố Hòa Bình xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, của UBND tỉnh, sự hướng dẫn chuyên môn của các Sở, ban, ngành của tỉnh. UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tham mưu cho Thành ủy xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 188-KH/TH.U, ngày 29/7/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hòa Bình thực hiện Kế hoạch số 95-KH/TU, ngày 28/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Phòng LĐTBXH đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành và triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, nhất là ở các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo là đồng bào DTTS, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đào tạo nghề cho lao động để tạo việc làm có thu nhập tốt, ổn định. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức triển khai Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Công tác giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo được sự ủng hộ của nhân dân trên địa bàn và tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài thành phố giúp đỡ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn đã góp phần vào kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn.
Nhờ đó, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm từ 0,2 – 0,3% đã đạt và vượt theo mục tiêu đề ra. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo thành phố tổng số hộ nghèo 446 hộ, tỷ lệ 1,28%. Hộ cận nghèo 462 hộ, tỷ lệ 1,32% (theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020). Đến năm 2023 tổng số hộ nghèo giảm còn: 374 hộ, tỷ lệ 1.06% giảm 0,32% so với đầu năm. Tổng số hộ cận nghèo 469, tỷ lệ 1,34%. (theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025). Dự kiến kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình năm 2024, 2025 Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% (0,8%). Thành phố Hòa Bình phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra, cũng như chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm được tỉnh giao trong năm 2024 và 2025.
Pv: Ông cho biết đâu là các mục tiêu trọng tâm đã được thành phố xác định trong thực hiện giảm nghèo bền vững?
Ông Hoàng Quốc Đại: Trước hết, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới cho các xã, tập trung vào xã đặc biệt khó khăn, xã đăng ký về đích nông thôn mới trong giai đoạn 2021 – 2025. Hỗ trợ để cải thiện tiêu chí về thu nhập thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo để thoát nghèo bền vững. Đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, tập huấn hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, cho vay ưu đãi....
Sau khi tiếp nhận nguồn vốn sự nghiệp năm 2022, 2023 từ Trung ương. Thành phố đã giao vốn cho các phường, xã triển khai thực hiện. Hiện nay thành phố Hòa Bình thực hiện 6 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm thuộc dự án 2 và 05 mô hình thuộc tiểu dự án 1 của dự án 3. Do đặc thù địa phương nên các mô hình đều là sản xuất nông nghiệp.
Sau hai năm triển khai thực hiện, nhìn chung các mô hình đều được hộ dân phấn khởi tiếp nhận con giống, vật nuôi, chăm sóc và bảo vệ, phát triển và duy trì cơ bản tốt. Trong các mô hình đó có mô hình nuôi bò sinh sản là đạt hiệu quả nhất, vì điều kiện tự nhiên ở địa phương và khả năng thích nghi của vật nuôi. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phù hợp với khả năng, điều kiện sức lao động của hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Pv: Thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh những giải pháp gì để cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từ đó đáp ứng yêu cầu giảm nghèo đa chiều thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Đại: Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo bền vững, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, nỗ lực vươn lên của người nghèo, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025, mục tiêu đến năm 2030 với các giải pháp phù hợp để cải thiện tiêu chí thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghèo đa chiều theo quy định của Chính phủ.
Song song với đó, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững. Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Đồng thời, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, từng bước tạo sinh kế, nguồn thu nhập ổn định cho hộ nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và rà soát thường xuyên giai đoạn 2021- 2025 theo chuẩn nghèo đa chiều để xác định đúng đối tượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác giảm nghèo bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!