Biển đảo

Nghệ An: Nâng cao thu nhập từ nghề biển ở Nghi Thủy

Đình Tiệp - Thành Vinh 28/06/2024 - 17:22

Nghi Thủy là một trong những phường có hoạt động kinh tế rất sôi động gắn liền với biển. Từ hàng loạt tàu cá của ngư dân bám biển ngày ngày cập cảng đưa hải sản cung cấp cho bến cá Nghi Thủy đến những doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, chế biến liên quan đến hải sản.

Cuộc sống gắn liền với biển

Vùng đất Nghi Thủy nói riêng, thị xã Cửa Lò nói chung được tạo nên bởi hiện tượng biển lùi. Do đó, dân cư sinh sống trên địa bàn này có nguồn gốc từ các nơi khác chuyển đến sinh cơ, lập nghiệp. Nguồn gốc cư dân trên vùng đất Nghi Thủy gắn liền với thần tích của thôn Yên Lương và làng Mai Bảng.

4.jpg
Một góc Nghi Thủy.

Vùng đất Nghi Thủy còn là nơi tụ cư của nhiều dòng họ khác nhau, Nhân dân đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, giàu lòng yêu nước, có tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Bên cạnh đó, người dân Nghi Thủy còn có nhiều phẩm chất đáng quý, như thẳng thắn, thật thà, cần cù và tiết kiệm. Những phẩm chất cao đẹp này được gọt giũa từ chính trong môi trường lao động, sản xuất.

Về Nghi Thủy – nơi nổi tiếng là địa danh làng chài biển với những đặc trưng văn hóa nổi bật. Mới sáng sớm mà bến cá và chợ cá của Nghi Thủy đã náo nhiệt bởi những tiếng í ới gọi nhau râm ran, người người tấp nập trên bến, dưới thuyền.

3.jpg
Tàu thuyền của ngư dân cập cảng sáng sớm.

Ngư dân Võ Thế Anh, người có thâm niên đi biển bằng thuyền công suất nhỏ, cho hay: “Dân Nghi Thủy vốn quen thuộc với nghề đi biển từ nhiều đời nay. Nhà mình đến mình là đời thứ ba gắn với nghề biển cả rồi. Hàng ngày, việc được chuẩn bị đồ nghề để ra biển đánh bắt hải sản là một niềm vui, hạnh phúc lớn. Tuy nghề đánh bắt gần bờ như mình thu nhập không phải là cao nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày”.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Thu, phường Nghi Thủy, chủ tàu công suất 830CV phấn khởi cho biết: Đã 2 tháng qua ngư dân chúng tôi có nhiều chuyến trúng đậm. Mỗi chuyến bình quân như tàu cá của tôi đánh bắt được khoảng 15-17 tấn cá. Sau khi trừ chi phí thì mỗi chuyến cũng thu về được khoảng gần 200 triệu đồng. Chia bình quân trên đầu người mỗi ngư dân tham gia lao động trên tàu cũng được khoảng 7-10 triệu đồng.

1.jpg
Chợ cá Nghi Thủy - Nơi "hội tụ" của nghề biển Cửa Lò.

Nghề biển gắn bó với người dân Nghi Thủy chúng tôi đã từ bào đời nay. Đã có nhiều thăng trầm đến với nghề này như thời xảy ra sự cố cá chết ở biển Vũng Áng, Hà Tĩnh gây khó khăn lớn về đánh bắt, tiêu thụ hải sản hay như đợt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không thể ra khơi. Thế nhưng, với tinh thần luôn sẵn sàng vươn khởi bám biển thì ngư dân chúng tôi tâm niệm đã ra khơi là “chiến thắng trở về” đạt thành quả cao nhất” - Ngư dân Trịnh Đức Dũng, phường Nghi Thủy tâm sự sau một chuyến ra khơi đạt thành quả lớn.

“Vựa cá” của Cửa Lò

Là một trong những địa phương có nghề cá phát triển nhất thị xã, hiện ngư dân phường Nghi Thủy đang chuyển dần từ đi lộng sang đi khơi, đầu tư thuyền to, máy lớn vươn khơi, đánh bắt ở ngư trường xa.
Mới đây, 2 ngư dân ở khối Yên Đình là Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Đình Phường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng 4 tàu có công suất 1.100 CV. Sau khi hạ thủy vươn khơi, hiệu quả đánh bắt thấy rõ. Ngư dân Nguyễn Văn Hải cho biết: “Tàu to, vươn khơi xa nên hiệu quả đánh bắt cao hơn. Mỗi chuyến biển ít cũng đem về 30-50 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5-7 thuyền viên”.

10.jpg
11.jpg
7.jpg
Hải sản cập bến.

“Khai thác và chế biến hải sản vốn là nghề chính của người dân địa phương. Nếu như trước đây người dân thường đánh bắt gần bờ, chủ yếu là lưới rê, câu và cất te với tàu công suất nhỏ, thì 5 năm trở lại đây chuyển sang đóng thuyền to, máy lớn để vươn khơi, đánh bắt dài ngày trên biển đem lại sản lượng cao và thu nhập tốt”.

Ông Nguyễn Tiến Lọi, Chủ tịch Hội nông dân phường Nghi Thuỷ, cho biết: Kinh tế phường chủ yếu là khai thác chế biến hải sản, dịch vụ du lịch. Riêng ngành nghề khai thác chế biến hải sản chiếm đến khoảng 65% kinh tế của phường. Năm 2023 sản lượng đánh bắt đạt khoảng trân 18,5 nghìn tấn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 này, sản lượng đánh bắt của ngư dân tốt, vẫn duy trì ổn định nên đời sống ngư dân được nâng lên, hết sức phấn khởi.

5.jpg
9.jpg
8.jpg
6.jpg
"Điểm nhấn" để phát triển kinh tế của phường Nghi Thủy gắn liền với biển...

Trên địa bàn có hơn 96 tàu thuyền, trong đó có 41 thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Ngoài ra toàn phường còn có tới 71 thuyền thúng đánh bắt ven bở, nhiều nhất của thị xã. Nghề đi biển đã tạo ra công ăn việc làm thuyền xuyên cho trên 600 lao động trên địa bàn.

Được biết, ngoài tàu thuyền đánh bắt thì chợ cá Nghi Thủy luôn là điểm đến rất tấp nập của tàu thuyền và các tiểu thương từ khắp nơi lui tới buôn bán. Trong đó, có rất nhiều tiểu thương từ TP Vinh cũng thường xuyên lui tới lấy hải sản đem lên các chợ trên địa bàn thành phố để buôn bán. Bên cạnh đó, chợ Nghi Thủy có đến 280 dặm cho tiểu thương kinh doanh buôn bán, riêng mùa hè có thêm khoảng 45 - 50 dằm ở đình số 4 có hoạt động để bán đồ khô và đồ tươi các loại hải sản. Địa phương có 01 Làng nghề với 52 hộ chế biến hải sản, trong đó xây dựng được 6 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.

Ông Hoàng Văn Hải, Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thủy: Nghi Thủy được Đảng bộ thị xã Cửa Lò ban hành Đề án xây dựng điểm đến du lịch phường Nghi Thủy. Theo tinh thần Đề án thì việc xây dựng điểm đến phường Nghi Thủy cần thiết cho sự phát triển của phường, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gắn kết với phát triển du lịch của thị xã. Một trong những mục tiêu của đề án là từng bước hình thành và phát triển đô thị đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các loại hình du lịch, dịch vụ gắn với biển; tạo thành một điểm đến du lịch trải nghiệm hấp dẫn của du lịch Cửa Lò.

Đình Tiệp - Thành Vinh